Hết sức lạ: Giăng mùng cho mận, mặc váy cho cam trái mùa ?!
28/11/2017
Những sáng kiến đầy ngẫu nhiên và thực tiễn của nông dân đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Tôi vừa về Đồng Tháp, ngang huyện Lai Vung, thấy có mấy chuyện hơi lạ. Mấy vườn mận giăng lưới kín mít, còn mấy vườn cam thì trùm nylon dưới gốc. Tò mò dừng lại hỏi chuyện nông dân mới biết thêm nhiều điều thú vị.

Mùng giăng tứ bề

Ruồi vàng đang là ôn dịch tràn lan, kẻ thù số một của các vườn cây ăn trái Việt Nam. Sinh vật ngoại lai này đến từ Trung Quốc. Khi những đợt táo Tàu tràn về theo đường tiểu ngạch, xuất khẩu theo vô số ấu trùng ruồi vàng. Người dân thấy táo bị hư, dòi bò lúc nhúc. Thế là ném vào sọt rác. Ấu trùng được tiếp sức, sinh sôi nảy nở và trở thành ôn dịch chưa có thuốc trị đặc hiệu.

Mỗi con ruồi vàng đẻ 30-40 trứng mỗi ngày. Dù vòng đời chỉ hai tháng nhưng chúng cứ sản sinh theo cấp số nhân và ngày càng lờn thuốc. Chúng ăn không trừ trái gì và ăn từ khi trái vừa kết trái. Từ mận, ổi, đu đủ, xoài, măng cụt, chôm chôm, sapoche đến khổ qua, dưa leo, bầu bí, cà chua… Bà con nông dân phải kết hợp phun thuốc thường xuyên với dùng bao giấy bảo vệ từng trái.

Bà Lê Thị Hai, 65 tuổi, ở ấp Hòa Định, xã Vĩnh Thới, Lai Vung, cho biết: “Mấy loại trái nhỏ và nhiều hơn thì chỉ còn cách duy nhất là phun thuốc. Cứ cách ba ngày phải phun thuốc trừ ruồi vàng. Chi phí ngày càng cao và sự độc hại ngày càng tăng. Nhiều nông dân đau đớn bất lực nhìn cả vườn trái bị ruồi vàng phá sạch. Do đặc tính sinh học, mận An Phước rất khỏe, chịu độ hầm rất giỏi nên bà con thử nghiệm may mùng cho mận. Ban đầu làm nhà mùng, kiểu nhà lưới nhưng rất tốn kém. Để giảm chi phí, nông dân giăng mùng cho từng cây, sau đó là cả vườn”. Có những chiếc mùng khổng lồ, rộng mấy trăm mét vuông được trùm lên từng liếp mận khi vừa kết trái bé tí. Bên trong hầm hập nóng nhưng mận vẫn sinh sôi và phát triển.

Cách làm này tiền đầu tư ban đầu hơi lớn nhưng dùng được ba năm. Thay vì ba ngày phải phun thuốc một lần thì cả mùa chỉ phải xịt sơ hai lần. Xét về kinh tế thì hiệu quả hơn hẳn. Quan trọng nhất là từ con người, đất đai và cả cây trái bớt độc hại vì thuốc trừ sâu. Cách làm rất hay này mới chỉ áp dụng cho cây mận. Hy vọng trong tương lai gần sẽ có những cách làm sáng tạo tương tự để giúp các loài cây khác phòng sâu bệnh hiệu quả mà không hại đất, hại cây và hại người.
 

Mặc váy cho cam trái mùa

Cam xoàn Lai Vung và Cao Lãnh nổi tiếng vì vị ngọt thanh, mọng nước, da mỏng, trái có lúm đồng tiền. Mỗi năm chỉ có một mùa vào tháng 6 âm lịch. Bán sỉ tại vườn dao động 30.000-50.000 đồng/kg. Cam trái vụ giá có thể gấp rưỡi, gấp đôi.

Sáng kiến “mặc váy cho cam” cũng rất nông dân. Có chủ vườn tình cờ phát hiện vào mùa mưa mấy gốc cam bị rác nylon quấn quanh gốc có dấu hiệu thiếu nước, lá vót thẳng chứ không mượt mà. Họ gỡ rác và tưới thêm nước. Cam xanh trở lại và ra hoa kết trái. Từ chuyện ngẫu nhiên, nông dân phát triển thành sáng kiến cho cam trái vụ. Ông Nguyễn Văn Mến, 52 tuổi, ở ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, Lai Vung, cho hay: “Muốn cho cam xoàn trái vụ phải lấy nylon trắng giăng quanh gốc cam, cách mặt đất 50-60 cm để tăng độ ẩm, không cho nước mưa ăn vào đất dưới gốc. Khi lá hơi héo thì bỏ ra, tưới nước, thúc phân và xịt thuốc để cam ra trái”.

Sáng kiến này tạo điều kiện cho nông dân có thể ép cây cam ra trái vào dịp Tết hoặc vía Bà vào tháng 4 âm lịch.

Những sáng kiến đầy ngẫu nhiên và thực tiễn của nông dân đã mang lại nhiều lợi ích hữu hiệu. Làm sao để kết nối nông dân với các nhà khoa học một cách thiết thực hơn để nông dân thoát cảnh được mùa mất giá và bị thương lái ép tả tơi?


Số lượt đọc: 944 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác