Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, xã Tam Phước tổ chức lớp học chuyên đề: “Đọc sách truyền cảm và khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho học sinh”
21/11/2019
Sách là nơi lưu giữ nền văn minh, sách giúp chúng ta mở mang tri thức. Vì vậy sách là tài sản vô cùng quý giá của con người. Sách được lưu giữ từ rất lâu đời cách đây cả hàng ngàn năm dưới nhiều hình thức khác nhau như: sách được làm bằng đá, sách được làm bằng tre, sách được làm bằng các loại vải…..v.v. Từ khi con người biết làm ra giấy thì sách được làm bằng giấy là chủ yếu và được lưu truyền đến ngày nay. 

Sách ghi lại lịch sử của nhân loại, các truyền thuyết các câu chuyện li kì và hấp dẫn; nội dung trong những trang sách dạy ta cách ứng xử và tình yêu thương giữa con người với con người, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần dân tộc ...v.v. Tuy nhiên với trình độ khoa học kỹ thuật tiến bộ đang trên đà phát triển như hiện nay thì sách đang dần dần bị lãng quên, và thanh thiếu nhi, học sinh chủ yếu lên các trang mạng xã hội để xem tin tức và các hiện tượng mạng nổi bật là chính, ít quan tâm đến việc đọc sách vì cho rằng tốn nhiều thời gian.

Một số hình ảnh của lớp học

Sinh thời Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Đọc nhiều sách tốt nhưng nếu không đem áp dụng vào thực tiễn cuộc sống thì chẳng khác nào “cái hòm đựng sách”. Vì vậy trong năm học này tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ đưa tiết đọc sách vào chương trình chính khóa cho các cấp học Giáo dục phổ thông nhằm rèn luyện cho HS thói quen đọc sách và vận dụng kiến thức từ sách vào cuộc sống. Hiện nay tại các trường học đã có thư viện nhưng chủ yếu là sách giáo viên và sách giáo khoa, sách tham khảo. Còn thư viện xanh và thư viện góc lớp chủ yếu là sách truyện và truyện tranh. Vì vậy sách theo chủ đề theo Phòng giáo dục quy định còn hạn chế về đầu sách, do số lượng học sinh nhiều mà sách thì chưa đáp ứng đủ, giáo viên chủ nhiệm lớp thì dạy nhiều bộ môn khác nhau nên tiết đọc sách còn gặp khá nhiều khó khăn. Để có một tiết đọc sách thoải mái và khơi dậy được niềm đam mê đọc sách cho học sinh, nhà trường đã tìm hiểu nhiều tài liệu liên quan đến việc đọc sách, từ đó chúng tôi mạnh dạn xây dựng chuyên đề “Đọc sách truyền cảm và khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho học sinh”.

 

Hy vọng rằng kết quả của việc tổ chức chuyên đề “Đọc sách truyền cảm và khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho học sinh” sẽ giúp đẩy mạnh phong trào đọc sách đối với học sinh nhà trường và lan tỏa đến cả giới trẻ địa phương vì đọc sách không chỉ là một kỹ năng chuyên môn quan trọng, đó còn là một cách để thưởng thức các tác phẩm văn học bổ ích, đầy sáng tạo và khơi nguồn cảm hứng để giúp cuộc sống của người đọc sách có thêm những trải nghiệm phong phú. Giống như bất cứ kỹ năng đáng có nào, việc phát triển thói quen đọc sách cũng đòi hỏi thời gian và tâm huyết. Tuy vậy, đọc sách luôn là thú tiêu khiển và là niềm vui vô tận, đồng thời cũng là một sở thích ít tốn kém cho bất cứ ai khi cầm trên tay một cuốn sách./.

 


Số lượt đọc: 1103 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác