Ứng dụng công nghệ thu hút khách tham quan tại các bảo tàng ở Việt Nam
12/04/2016

Những năm gần đây, các bảo tàng ở Việt Nam đã chủ động thay đổi, ứng dụng khoa học và công nghệ để thu hút khách tham quan.

Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020, chính sách này đã mở ra cơ hội phát triển thuận lợi cho các bảo tàng trong những năm sắp tới. Bên cạnh Bảo tàng Phụ nữ, còn có Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, đây là những bảo tàng đi đầu trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động trưng bày của bảo tàng.

 

Sau gần 2 tháng đưa vào hoạt động thử nghiệm miễn phí hệ thống thuyết minh tự động với 3 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã thu hút gần 3.000 lượt khách.

 

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một trong những bảo tàng tiên phong tại Việt Nam trong việc xây dựng một bảo tàng ảo tương tác 3D. Tuy chỉ lựa chọn giới thiệu một phần giá trị nào đó và không thể thay thế bảo tàng thật, nhưng bảo tàng 3D đã hỗ trợ tích cực cho bảo tàng thực. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu về Bảo tàng ảo tương tác 3D lần đầu tiên được ứng dụng cho việc giới thiệu hai khu trưng bày chuyên đề: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”. Đây được coi là bước đột phá của hoạt động bảo tàng ở nước ta.

 

Dự án Xây dựng bảo tàng ảo tương tác 3D cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã kế thừa phương pháp nghiên cứu, xây dựng nội dung, ý tưởng, thông điệp của bảo tàng kết hợp với tính năng công nghệ mà các bảo tàng trên thế giới đã triển khai. Đồng thời, ứng dụng các công nghệ mới nhất hiện nay cho phép chúng ta xây dựng các tính năng hiện đại hơn và mang đậm bản sắc riêng của Việt Nam.

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã lựa chọn Công ty Giải pháp phần mềm chuyên nghiệp Việt (VIETSOFTPRO) thực hiện dự án này. Ông Hoàng Quốc Việt - Tổng Giám đốc VIETSOFTPRO cho biết: "Hầu hết các bảo tàng lớn trên thế giới đã sử dụng bảo tàng ảo tương tác 3D để giới thiệu không gian trưng bày tới khách thăm quan trên toàn cầu. Điểm mạnh của bảo tàng ảo là đem các hình ảnh, không gian trưng bày một cách chân thực nhất đến với khách tham quan. Với những thông tin tư liệu, video phong phú, bảo tàng ảo còn cung cấp cho công chúng thông tin thực tế nhiều hơn trưng bày thực".

 

Bảo tàng ảo tương tác 3D là giải pháp công nghệ tối ưu cho việc tuyên truyền về những giá trị mà Bảo tàng đang quản lý, mang chúng đến với khách tham quan một cách thuận lợi, đa dạng. Bảo tàng ảo chỉ lựa chọn giới thiệu một phần giá trị nào đó và không thể thay thế bảo tàng thật, nhưng bảo tàng 3D sẽ là sự hỗ trợ tích cực cho bảo tàng thực vì các thông tin trên bảo tàng 3D sẽ gợi trí tò mò cho người xem khiến họ muốn đến bảo tàng để xem xét thực tế.

 

Khu trưng bày Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và Đèn cổ Việt Nam là những chuyên đề đầu tiên được thí nghiệm thực hiện số hóa 3D trong dự án tổng thể xây dựng Bảo tàng ảo tương tác 3D cho toàn bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Hai trưng bày này được các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và công ty VIETSOFTPRO thực hiện trong thời gian 1 năm.

 

Đến với hai khu trưng bày ảo 3D Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và Đèn cổ Việt Nam, ngoài việc được thưởng ngoạn gần 150 hiện vật hiện đang được giới thiệu tại hai khu vực trưng bày của bảo tàng, công chúng còn được bổ sung những thông tin cô đọng, xúc tích về nguồn gốc, xuất xứ, niên đại… của từng hiện vật; những bài nghiên cứu, video-clip,… minh họa sinh động cho phần trưng bày 3D mà ở phần trưng bày thực tại chưa đáp ứng được.

 

Những công nghệ xử lý hiện đại nhất cho phép khách tham quan xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết của những cổ vật tuyệt đẹp, cảm nhận từng vết rạn, thậm chí phát hiện những chi tiết vô cùng tinh tế mà nếu thưởng thức tại bảo tàng thực với tâm thế một khách tham quan đơn thuần sẽ không dễ được trải nghiệm. Các trưng bày được giới thiệu bằng 2 thứ tiếng: Tiếng Việt và Tiếng Anh. Bảo tàng ảo 3D cũng cung cấp những tính năng cho phép người sử dụng chia sẻ qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Twitter nhằm kết nối những người yêu bảo tàng trên toàn cầu dưới sự quản lý và cho phép của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những bảo tàng có số lượng, loại hình hiện vật phong phú, đa dạng, hiện đang lưu giữ bảo quản gần 200.000 hiện vật từ thời tiền sử đến ngày nay, trong có nhiều sưu tập quý giá: đồ đá, đồ đồng, đồ gốm,… Có 11/30 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận đợt đầu. Bước đầu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã xây dựng dữ liệu 3D cho các trưng bày chuyên đề được thực hiện tại bảo tàng với mong muốn lưu giữ và phục vụ công chúng trong trường hợp chưa có điều kiện đến tham quan phần trưng bày thật tại bảo tàng.

 

Theo ông Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, với mục tiêu xây dựng một Bảo tàng ảo tương tác 3D tiên phong tại Việt Nam, tiếp cận trình độ quốc tế, dự án ứng dụng giải pháp công nghệ mới nhất hiện nay trên thế giới về bảo tàng ảo, so sánh học hỏi các công nghệ tối ưu mà các bảo tàng trên thế giới đã triển khai, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hy vọng dự án tổng thể về bảo tàng công nghệ thực tại ảo 3D sẽ tiếp tục được triển khai, hoàn thiện, giới thiệu với công chúng trong một tương lai không xa, với mong muốn đưa các giá trị di sản lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam đến gần công chúng.


Số lượt đọc: 1154 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác