Bảo vệ măng tre bằng túi nilon
01/12/2016
Các kết quả nghiên cứu của Trường đại học Lâm nghiệp cho thấy, khi măng nhú khỏi mặt đất khoảng 20-30cm thường bị các loài sâu hại tấn công. Ví dụ như đẻ trứng trực tiếp vào măng sau khi đã khoét một lỗ nhỏ cách đỉnh măng khoảng 20cm, sống tập trung với số lượng lớn ở khu vực ngọn măng, ẩn trong các mo măng để chích hút dịch cây… Bọc bảo vệ măng bằng các vật liệu là giấy, mo tre, nilon bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, do chất lượng của các vật liệu trên dễ bị rách thủng, kích thước túi bọc và kỹ thuật bọc măng chưa hợp lý nên hiệu quả phòng trừ chưa cao và mất khá nhiều thời gian.

Trong thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học của Trường đại học Lâm nghiệp đã phát hiện được 8 loài sâu hại măng thuộc 5 họ, 5 bộ. Căn cứ vào mức độ gây hại và mật độ của chúng đã xác định ra 5 loài sâu hại chính thuộc 2 nhóm là: Vòi voi và bọ xít. Có tới 48,43% số măng bị hại ở mức nghiêm trọng do các loài vòi voi. Vật liệu bọc thích hợp là túi nilon trắng và xanh. Túi dài 1,6m-1,8m, đường kính miệng 20cm, đường kính đáy 30cm. Măng được chọn để bọc phải là măng mới nhú khỏi mặt đất từ 20 đến 30cm, chưa bị hại. Trong một khóm tại cùng thời điểm có thể có nhiều măng, do vậy cần xác định tỷ lệ măng hợp lý trong một bụi để bọc nhằm tạo điều kiện cho măng phát triển tốt nhất, đồng thời giảm chi phí bọc.

Các nhà nghiên cứu cho biết, trước khi bọc cần chặt bỏ cành nhánh phía trên măng trong độ cao 3m mọc cản hướng mọc của măng để tránh làm rách túi, đồng thời làm tăng độ thông thoáng cho măng phát triển và thuận lợi cho việc khai thác sau này. Khi măng cao khoảng 2,5-3,0m dùng sào để tháo túi nilon. Do quá trình măng mọc không đều nên phải thường xuyên kiểm tra (khoảng 5-7 ngày một lần), tháo túi ở măng đã cao trên 2,5m rồi bọc lại cho măng mới nhú khác. Điều đáng chú ý là sau khi mưa, măng phát triển nhanh, do vậy cần tăng cường kiểm tra để thu túi và tránh để nước đọng lại trong túi.

Biện pháp bọc bảo vệ măng nói trên bảo đảm hiệu quả kinh tế, phòng trừ tốt và bảo vệ môi trường. Khi áp dụng biện pháp này tỷ lệ măng bị hại giảm xuống rõ rệt, chỉ còn 6,67% măng bị hại. Bọc bảo vệ măng còn có thể làm cho giá trị kinh tế của rừng trồng tăng gấp khoảng 2,67 lần so với không bọc.


Số lượt đọc: 2277 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác