Công Nương Nguyễn Phúc Ngọc Vạn: Người góp công khai phá vùng đất Mô Xoài .
25/11/2019

Nguyễn Phúc Ngọc Vạn là con gái thứ hai của chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên. Chúa Sãi (ở ngôi 1613-1635), có 15 người con (11 công tử và 4 công nương), trong đó công nương Ngọc Vạn được gả cho Quốc vương Chân Lạp Chey Chetta II. Bà là người góp công khai phá vùng đất Mô Xoài (Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay).

Phần mộ của công nương Ngọc Vạn tại Dã Lê Chánh, xã Thủy Vân, TX. Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế.

Trong thời gian công nương Ngọc Vạn trưởng thành, là lúc mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên trấn nhậm vùng Thuận - Quảng (Quảng Nam, Đà Nẵng ngày nay). Lúc đó, vùng đất Chân Lạp gần như chịu sự thống trị trực tiếp của triều đình Xiêm La (Thái Lan). Vua Chey Chetta I lên ngôi từ 1618-1628, có ý thức tự lực và khi Chey Chetta II kế vị đã chọn cầu thân với chúa Nguyễn (Đàng Trong).

Sử liệu có ghi lại: “Chey Chetta II tìm sự yểm trợ của triều đình Huế, nhằm quân bình với sức ép của Xiêm”. Để tỏ lòng thiện chí, Chey Chetta II đã cầu hôn công nương Ngọc Vạn và được chúa Sãi đồng ý. Vào năm Canh Thân (1620) cuộc hôn lễ giữa công nương Ngọc Vạn và quốc vương Chey Chetta II được tiến hành. Ngọc Vạn trở thành Đệ nhất Hoàng hậu của Chân Lạp. Trong biên niên sử Hoàng gia Chân Lạp, bà là Hoàng hậu Ang Cuv.

Sắc phong cho Tống Sơn công nương Ngọc Vạn năm Khải Định thứ 9 (1924).

Tác giả Trần Thuận trong bài viết “Công nữ Ngọc Vạn và vùng đất Mô Xoài” cho biết: “Ngọc Vạn vừa đẹp người, đẹp nết nên được quốc vương Chey Chetta II yêu quý. Nhờ vậy, nhà vua đã cho một số người Việt đi theo bà, giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp. Bà cũng được phép lập một xưởng thợ và mở các nhà buôn ở gần kinh đô cho người Việt sinh sống làm ăn”. Với lời xin của Hoàng hậu Ngọc Vạn, Chey Chetta II đồng ý cho người Việt di cư đến khai hoang lập ấp tại Mô Xoài (tức Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay) và Nông Nại (Đồng Nai). Đây là lần đầu tiên người Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp một cách “hợp pháp”.

Quốc vương Chân Lạp còn thuận theo lời Hoàng hậu Ngọc Vạn, cho lưu dân người Việt được võ trang để tự vệ trên vùng đất mới khai phá. Bà cũng được vua Chey đồng ý thành lập 2 sở thuế ở Prey Nokor (tức Chợ Lớn - Sài Gòn) và Kas Krobey (Bến Nghé - Sài Gòn) để thu thuế của người Việt qua lại buôn bán. Biên niên sử Khơ mer có chép như sau: “Vị vua lên ngôi Chey Chetta II cho xây một cung điện tại Oudong. Ở đây, ông làm lễ thành hôn với một công chúa, con vua An Nam. Bà này rất xinh đẹp, về sau có ảnh hưởng đến vua. Nhờ bà mà một phái đoàn An Nam đã xin và được vua Chey Chetta II cho lập thương điếm ở miền Nam Cao Miên, nơi này nay gọi là Sài Gòn”.

Cuộc hôn lễ giữa công nương Ngọc Vạn và quốc vương Chey Chetta II đã tạo cơ sở ban đầu cho công cuộc khai phá của vùng đất phương Nam của chúa Nguyễn. Năm 1698 khi đã đủ điều kiện, chúa Nguyễn Phước Chu cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, kê biên sổ đinh, lập nên phủ Gia Định, đơn vị hành chính đầu tiên của Đại Việt tại phương Nam, với khoảng 40 ngàn hộ, ước tính 200 ngàn dân.

Sau hơn 50 năm sống trong hoàng cung, Hoàng hậu Ngọc Vạn đã về Sài Côn (Sài Gòn), sau đó lui về sống ở Bà Rịa. Tại đây, bà cho lập chùa Gia Lào (núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), rồi ẩn tu (theo Wikipedia). Những năm cuối đời, Hoàng hậu Ngọc Vạn rời chùa Gia Lào, về sống tại Dã Lê Chánh, phủ Hương Thủy, Thừa Thiên Huế (nay là xã Thủy Vân, TX. Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế). Nơi đây vẫn còn phần mộ, sắc phong, miếu thờ của bà. Đây thực sự là những nguồn tư liệu quý giá, cần được các nhà khoa học, nghiên cứu tiếp tục kiểm chứng, làm sáng tỏ hơn về thân thế sự nghiệp của công nương Nguyễn Phúc Ngọc Vạn trong công cuộc mở mang, khai phá vùng đất xứ Mô Xoài…

NGUYỄN NGỌC TRÂN


Số lượt đọc: 910 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác