Khắc phục bệnh vàng lá do ngộ độc hữu cơ trong vụ lúa mùa 2020
10/08/2020
Lúa bị ngộ độc hữu cơ có biểu hiện phần ngọn lá màu vàng đỏ

Bệnh vàng lá do ngộ độc hữu cơ (bệnh nghẹt rễ) thường gây hại mạnh trong vụ chiêm xuân, song những năm gần đây bệnh lại có xu hướng tăng mạnh vào vụ mùa. Để khắc phục bệnh vàng lá lúa do ngộ độc hữu cơ trong vụ mùa năm 2020, người dân cần nắm rõ kiến thức và thực hiện một số biện pháp sau:

1. Tác hại của bệnh

Cây lúa đẻ nhánh kém hoặc không đẻ nhánh.

Nếu bệnh gây hại trong thời gian dài mà không có biện pháp xử lý làm lụi toàn bộ diện tích lúa.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Đây là bệnh sinh lý do bộ rễ thiếu oxy. Cây lúa có khả năng phục hồi tốt khi áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, trừ bệnh.

3. Các triệu chứng nhận biết bệnh

Triệu trứng ban đầu là ngọn lá lúa chuyển màu vàng đỏ, khô từ chóp lá lan dần xuống dưới. Nếu bệnh nặng nhiều lá phía trên bị vàng đỏ đến 1/3 lá.

Khi nhổ khóm lúa lên thấy bộ rễ thối đen, có mùi tanh hôi, rễ mới không phát sinh, cây lúa ngừng sinh trưởng hoặc đẻ nhánh ít. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu ở giai đoạn sau cấy - đẻ nhánh rộ.

4. Điều kiện phát sinh, phát triển

Bệnh phát sinh gây hại trong cả vụ chiêm xuân và vụ mùa:

- Bệnh xuất hiện và gây hại trong vụ chiêm xuân chủ yếu trong điều kiện thời tiết lạnh; Cấy trên các chân ruộng trũng, cày bừa chưa kỹ; Cấy mạ già, cấy sâu tay.

- Bệnh xuất hiện và gây hại trong vụ mùa chủ yếu trong điều kiện chuyển vụ rất nhanh giữa vụ chiêm xuân và vụ mùa nên quá trình phân hủy gốc rạ sinh ra các axít hữu cơ và khí độc, gây tác động xấu đến sự hô hấp của bộ rễ.

5. Biện pháp phòng trừ

Biện pháp phòng:

Xử lý rơm rạ, sản phẩm phụ sau thu hoạch bằng các chế phẩm Trichodecma, CNXAT-YTB, Sumitri, Fito-Biomix RR,... Thời gian tiến hành trước khi cày ngả (đối với ruộng chủ động tưới tiêu) hoặc trước khi bừa giập (đối với ruộng ngập nước). Liều lượng sử dụng, cách sử dụng xem hướng dẫn trên bao bì sản phẩm hoặc hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.

Biện pháp trừ:

Bước 1: Khi phát hiện lúa bị bệnh vàng lá cần ngừng ngay việc bón phân đạm, phân NPK hoặc các loại phân bón lá.

+ Bước 2: Rút nước ra khỏi ruộng để khô 2-3 ngày (nứt chân chim), sau đó đưa nước trở lại ruộng. Đối với những ruộng không rút được nước, tiến hành cào sục bùn.

+ Bước 3: Bón bổ sung phân lân Văn Điển (8-10 kg/360m2) hoặc phân chuồng hoai mục (20-30 kg/360m2). Có thể bón bổ sung thêm phân bón qua lá (ưu tiên các loại phân có hàm lượng các nguyên tố vi lượng cao như Atonik 1.8SL, Poly-feedHumicK-humateSong mã,, TS96, Seewead...)

+ Bước 4: Sau khi xử lý 7-10 ngày, nhổ khóm lúa lên thấy rễ trắng mới ra, tiến hành bón thúc và chăm sóc bình thường.

Hồng Minh - Sở NN&PTNT Hòa Bình


Số lượt đọc: 2080 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác