Nông dân hào hứng với việc xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh Sumitri
06/10/2020
Lúa sinh trưởng tốt, sạch bệnh, tăng năng suất 15%, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường...

Đây là những tiện ích và hiệu quả kép từ việc sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri trong xử lý rơm rạ sau thu hoạch ở Hưng Yên. Từ lợi ích thiết thực này, nhiều nông dân Hưng Yên rất hào hứng tham gia.
*Công nghệ đơn giản
Vụ mùa năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên triển khai mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Sumitri trên diện tích 620 ha lúa tại 8 huyện thị gồm: Phù Cừ, Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Yên Mỹ, Khoái Châu, Văn Lâm và thị xã Mỹ Hào.

Trung tâm đã cấp phát gần 2,5 tấn chế phẩm vi sinh Sumitri cho các hộ tham gia mô hình; cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương thường xuyên hướng dẫn các hộ nông dân cách sử dụng  và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa theo đúng quy trình kĩ thuật.
Bà con xã Tống Trân (Phù Cừ) cho biết, việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại ruộng khá đơn giản. Chỉ cần trộn đều chế phẩm Sumitri với cát, đất bột hoặc phân bón rải đều trên ruộng trước hoặc sau khi dập rạ lần đầu.

Sau 13 -15 ngày, rơm và gốc rạ phân hủy, ngấu trong đất rất nhuyễn và mát, nên sau khi cấy lúa sinh trưởng tốt, nhanh đẻ nhánh, rễ phát triển mạnh và nhiều.

Cùng với việc xử lý chế phẩm đúng quy trình, các hộ nông dân tham gia mô hình còn có điều kiện được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm thâm canh như: bố trí gieo cấy theo đúng lịch thời vụ, làm đất, gieo cấy, bón phân đầy đủ, cân đối, đúng lúc.
Đánh giá cao tác dụng và tiện ích của chế phẩm Sumitri, ông Đào Văn Luận và các hộ tham gia mô hình ở xã Vĩnh Xá (huyện Kim Động) khẳng định: so với các chế phẩm đã sử dụng trước đây, thì Sumitri dễ sử dụng hơn, thời gian phân hủy rơm rạ nhanh hơn 5 ngày, chi phí cũng giảm gần 50%.

Riêng với các ruộng rơm rạ vùi tươi tại chỗ, ruộng được xử lý Sumitri tiết kiệm được 2 lần phun thuốc trừ vàng lá cộng nghẹt rễ sinh lý. Cùng đó, giảm được 30% lượng phân lân cho bón lót và 15% lượng NPK bón thúc lần đầu. Đặc biệt, không phải đẩy trộm rơm rạ xuống kênh trục thủy nông.
* Hiệu quả kép
Ông Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kim Động chia sẻ: qua khảo sát thực tế tại các khu ruộng trong mô hình sử dụng chế phẩm Sumitri, lúa sinh trưởng phát triển tốt, không có hiện tượng bị nghẹt hay thối rễ, vàng lá, ít sâu bệnh. Đáng chú ý, đã tiết kiệm được hơn 20% lượng phân bón hóa học, năng suất lúa tăng 10 - 15%.
Còn với nông dân xã Tân Phúc, huyện Ân Thi, việc dùng chế phẩm Sumitri đã hỗ trợ bà con tiếp cận nhanh với tiến bộ khoa học mới, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy đảm bảo thời vụ, hạn chế bệnh nghẹt rễ, vàng lá ở lúa mùa.

Đồng thời bổ sung phân hữu cơ, tăng độ phì của đất, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động. Mặt khác, tạo thói quen cho người dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch, góp phần giữ độ màu mỡ của đất, bảo vệ môi trường, tăng năng suất cây trồng đem lại hiệu quả thiết thực.
Ông Nguyễn Văn Tráng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho hay, hàng năm toàn tỉnh gieo cấy khoảng 74.000 ha lúa, lượng rơm rạ khoảng hơn 570.000 tấn. Sau mỗi vụ gặt lúa, rơm rạ thường được nông dân xử lý bằng cách đốt, để tại ruộng và cày vùi, một phần bị vứt bỏ ngoài mương máng làm ách tắc dòng chảy.

Đốt rơm rạ gây lãng phí nguồn phân bón hữu cơ từ rơm, gốc rạ, tiêu diệt vi sinh vật có ích làm thoái hóa đất. Mặt khác, do áp lực thời vụ và thời gian làm đất ngắn, nếu không xử lý tốt rơm, rạ sẽ không kịp phân hủy, cây lúa trong vụ mùa dễ bị nghẹt rễ, vàng lá làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
Cũng theo ông Tráng, hàm lượng phân bón chứa trong rơm rạ là rất lớn. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), trong 1 tấn rơm rạ có khoảng 5-8 kg ure, 10kg super lân và 40 kg kaliclorua, ngoài ra còn có khoảng 70 kg silic, 6 kg canxi, 2 kg magie và các chất hữu cơ, chất vi lượng khác mà các loại phân khoáng không thể có được.

Do vậy, nếu lượng rơm rạ được xử lý bằng Sumitri sẽ cung cấp cho cây trồng một lượng lớn phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân hóa học gây tác hại lớn nhỏ tới môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe con người.
Bà Nguyễn Thị Hiền và nhiều hộ nông dân ở xã Tân Phúc (Ân Thi) cho rằng, sử dụng chế phẩm Sumitri là rất thiết thực và lợi ích nhiều bề. Với cách làm đơn giản này, lúa sạch bệnh và tăng năng suất, nông dân đỡ mất công đốt rơm rạ gây khói bụi ô nhiễm.

Theo đó, bà con rất mong ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai  nhân rộng việc dùng Sumitri xử lý rơm rạ vào những mùa vụ tiếp theo./.


Số lượt đọc: 1197 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác