Là một thanh niên người dân tộc Dao, với bản chất thật thà, chịu khó, cộng với sự nhanh nhẹn tháo vát nên anh Ngô Văn Hổ đã biết nắm bắt cơ hội. Năm 1995, Đảng và Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng tới hộ, gia đình anh mạnh dạn nhận 5 ha đất. Anh cùng người vợ hiền bắt tay vào làm kinh tế. Lúc đầu đồng vốn còn ít, anh thực hiện theo phương thức lấy ngắn nuôi dài. Ngày ngày anh đi làm thuê kéo lưới ở hồ, vợ con ở nhà lên rừng chặt bỏ cây tạp, trồng mới những cây trồng có chu kỳ kinh doanh ngắn, dễ tiêu thụ như bồ đề, mỡ, keo… Tận dụng lúc rừng chưa khép tán, gia đình anh trồng xen các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như: ngô, sắn, đậu đỗ các loại.
Ngoài trồng trọt, gia đình anh còn chăn nuôi thêm. Trong chuồng của anh thường nuôi từ 2- 3 lợn nái, mỗi nái cho 2 lứa đẻ/năm, mỗi năm xuất bán được trên 4 tạ lợn giống. Anh cũng nuôi từ 100 -150 con gia cầm các loại như gà, vịt, ngan phục vụ sinh hoạt gia đình và cung cấp thực phẩm sạch cho bà con quanh vùng. Ngoài ra, anh còn vay vốn để nuôi 3- 4 con trâu sinh sản và cày kéo, mỗi năm thu nhập từ đàn trâu được trên 10 triệu đồng. Lợi dụng địa hình gần hồ Thác Bà, anh đắp được 2 ha diện tích mặt nước để nuôi cá, cho thu nhập trên 40 triệu đồng/năm. Trừ mọi khoản chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi 60- 70 triệu đồng từ chăn nuôi. Không những thế chăn nuôi đã cung cấp nguồn phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Khi đã có được nguồn vốn đáng kể từ các nguồn thu trên, anh tiến hành mua thêm diện tích đất rừng để đầu tư trồng mới, đồng thời mua thêm rừng ở nhiều độ tuổi, đưa diện tích rừng hiện có của gia đình lên trên 40 ha, trong đó có 5 ha bồ đề, 30 ha keo lai, 4 ha bạch đàn, 1 ha quế và trên 200 gốc măng tre Bát độ… Hàng năm trừ mọi chi phí, thu nhập từ rừng mang lại cho anh 200 triệu đồng/năm. Sau nhiều năm cần cù lao động, số tiền dư ra anh đầu tư xây nhà ở, mua máy cày, máy bừa, máy tuốt lúa, máy cắt gỗ, vừa phục vụ gia đình đồng thời làm thêm dịch vụ phục vụ cho bà con quanh vùng.
Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, gia đình anh Ngô Văn Hổ đã và đang làm thay đổi cả một vùng đất cằn cỗi năm xưa thành một rải rừng trù phú với màu xanh bạt ngàn của các loại cây trồng. Từ chỗ khó khăn, bấp bênh lúc đầu lập nghiệp, nay gia đình anh đã có của ăn của để và mua sắm được nhiều tiện nghi phục vụ sản xuất và đời sống gia đình. Đồng thời anh còn giúp bà con lối xóm về khoa học kỹ thuật, cây con giống để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao đời sống cho bà con trong xã. Một vinh dự đã đến với anh là được đi báo cáo điển hình về phát triển kinh tế trang trại tại Hội nghị Lao động giỏi do UBND tỉnh tổ chức. Anh là tấm gương sản xuất giỏi của xã Phúc Lợi trong nhiều năm qua và thực sự là một địa chỉ để bà con gần xa đến tham quan và học tập./.