Chính phủ - Chính quyền điện tử chính là sự ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để các cơ quan của chính quyền từ Trung ương đến bộ, ngành và địa phương đổi mới, làm việc có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn, cung cấp thông tin và dịch vụ tốt hơn cho người dân, cho DN và các tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong việc tham gia quản lý Nhà nước. Theo đó, mọi hoạt động của Nhà nước được "điện tử hóa", "mạng hóa", là sự đổi mới toàn diện các quan hệ, đặc biệt là quan hệ giữa chính quyền và công dân, DN bảo đảm tính minh bạch, công khai, thuận lợi, bảo đảm sự kiểm soát và giám sát lẫn nhau giữa công dân với chính quyền các cấp và với Chính phủ - một Chính phủ của dân, vì dân và vì sự phồn thịnh của đất nước trong một môi trường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, luôn lấy sự công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả làm thước đo sự phát triển.
Việt Nam nhận thức khá sớm tính tất yếu của Chính phủ điện tử. Từ năm 2000 và trước đó, đặc biệt là từ năm 2015 đến nay, Chính phủ đã triển khai nhiều công việc xây dựng Chính phủ - Chính quyền điện tử và đã làm được rất nhiều việc, giành nhiều thành tựu nổi bật. Tại không ít địa phương, hoạt động của chính quyền điện tử bước đầu diễn ra khá suôn sẻ, nhất là trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính một cửa, cắt bỏ nạn giấy tờ bàn giấy. Tuy nhiên, nhìn lại vẫn còn bao nhiêu việc cần tiếp tục làm cho Chính phủ điện tử, mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho là "còn ì ạch, chưa được như mong đợi, cả về nhận thức, nền tảng kỹ thuật, kết nối và liên thông, con người thực thi". Trong toàn hệ thống còn thiếu các văn bản pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, còn rào cản trong cơ chế đầu tư, ứng dụng công nghệ. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm, các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công vụ còn mang tính thủ công, nặng về giấy tờ…
BR-VT là một trong những địa phương được đánh giá có chủ trương sớm và đang tích cực triển khai các đề án phát triển Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh. Tại cuộc họp ngày 19-3 bàn về "Chính phủ - Chính quyền điện tử - Đô thị thông minh", Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã nghe và chỉ đạo về việc triển khai 15 dự án giai đoạn 2016-2018, theo đó đã có 7 dự án hoàn thành, 8 dự án còn lại đang tiếp tục hoàn thành và triển khai tiếp các dự án của giai đoạn 2019-2020, tiến tới hoàn thiện đồng bộ hạ tầng Chính quyền điện tử của tỉnh. Năm 2019, tỉnh BR-VT thực thi 7 nhóm giải pháp ưu tiên triển khai xây dựng Chính quyền điện tử - Đô thị thông minh, thực hiện đồng bộ theo tiến độ chung của cả nước mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Quyết liệt, đồng bộ, khẩn trương để hoàn thành các dự án, sớm đưa vào ứng dụng và thực thi đầy đủ, hiệu quả "Chính phủ - Chính quyền điện tử - Đô thị thông minh", theo đúng tiến độ đã đề ra, là chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh hiện nay, về lĩnh vực này.
Chính phủ - Chính quyền điện tử - Đô thị thông minh là tất yếu, đem lại rất nhiều tiện ích cho người dân, DN và cho chính vai trò quản lý Nhà nước của bộ máy chính quyền từ Trung ương đến cơ sở. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, khi triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về Chính phủ điện tử, mới đây đã nêu rõ: Toàn bộ hệ thống cần nhận thức và thực thi hành động đồng bộ các giải pháp thực thi Chính phủ - Chính quyền điện tử - Đô thị thông minh. Chậm ngày nào là tụt hậu ngày đó, lãng phí ngày đó, thua thiệt ngày đó, thua chị kém em ngày đó…