Tăng thu nhập cho nông dân là một trong những mục tiêu cốt lõi của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên sau 3 năm xây dựng chương trình, việc nâng cao thu nhập cho người dân hiện nay vẫn đang khó thực hiện đối với không ít địa phương. Đây chính là nội dung mà đơn vị xã Sơn Bình muốn đề cập đến trong bài thuyết trình này.
Năm 2013, thủ tướng chính phủ đã có quyết định số 432 ngày 20/2/2013 về sửa đổi một số tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, đồng thời hướng dẫn thực hiện quy định mức thu nhập đạt chuẩn nông thôn mới cho khu vực nông thôn cả nước năm 2013 và năm 2014. Ngày 18 tháng 3 năm 2014, bộ NN và PTNT đã ban hành CV số 938 quy định mức thu nhập đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, mức thu nhập bình quân khu vực nông thôn cả nước phải đạt 23 triệu đồng/ người cao hơn 2 triệu đồng so với 2013. Riêng các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ thì mức thu nhập 2013 là 27 triệu, năm 2014 là 30 triệu đồng. Mặc dù có những thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương đang triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhưng hiện nay trong 19 tiêu chí quốc gia thì tiêu chí thứ 10 là tiêu chí khó thực hiện nhất trong cả nước nói chung và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nói riêng.
Phần lớn các xã vùng ĐNB nói chung và tỉnh BRVT nói riêng đang thừa lao động, thiếu việc làm tại chỗ, bởi thanh niên và người lao động chuyển đến làm việc ở các thành phố những vùng kinh tế khác cần lao động, còn lại ở quê nhà chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người già. Do đó, nguồn thu tại chỗ của các người dân từ địa phương rất hạn chế, chính vì vậy, câu chuyện tăng thu nhập cho người dân là khó có thể thực hiện.
Nhìn từ thực tế trên địa bàn tỉnh BRVT cho thấy trong số 43 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đa phần là xã thuần nông. Một số xã có điều kiện về đất đai, thỗ nhưỡng nên có lợi thế phát triển các loại cây trồng như hồ tiêu… cho thu nhập ổn định, đảm bảo được tiêu chí về tăng thu nhập, nhưng đa phần các xã còn lại, sản xuất nông nghiệp chỉ trồng một loại cây, diện tích đất nông nghiệp không nhiều, nên giải quyết lương thực cho gia đình là chính, sản phẩm bán ra thị trường chỉ đủ chi phí đầu tư trở lại trong quá trình sản xuất. Một số hộ khác để cải thiện thu nhập gia đình đã làm một số việc khác như chăn nuôi hoặc một số nghề khác để có thêm nguồn thu nhưng còn nhỏ lẻ và thiếu tính ổn định. Trong 21 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2 2013 – 2015 thì chưa có xã nào đạt tiêu chí về thu nhập, điều này áp lực cho các xã nông thôn mới là rất lớn.
Việc nâng cao mức sống cho người dân khu vực nông thôn được tỉnh ta đặc biệt quan tâm trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ thực hiện thông qua việc lồng ghép các nguồn vốn, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi nâng cao giá trị sản phẩm để hướng đến mục tiêu nâng thu nhập cho nông dân, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững. Các địa phương cũng đang ra sức thay đổi cơ các kinh tế, đưa các loại cây trồng vật nuôi có năng suất hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Qua đó, giúp năng suất cây trồng vật nuôi tăng từ 20 – 30% so với giai đoạn bắt đầu thực hiện chương trình nông thôn mới.
Do xuất phát điểm thấp nên nên phần lớn các xã trong điều kiện còn nhiều tiêu chí chưa đạt và bài toán khó đặt ra cho các xã xây dựng NTM là làm sao tăng thu nhập cho nông dân. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng nông thôn của xã còn thấp kém, nguồn vốn đầu tư thì hạn hẹp khiến việc thực hiện các tiêu chí đòi hỏi nhu cầu cần nhiều vốn rất khó đạt được bởi thực hiện tiêu chí thu nhập thành công đây sẽ là động lực góp phần hoàn thành các tiêu chí khác.
Một số giải pháp hiệu quả đó là các địa phương đã chú trọng đầu tư hỗ trợ nông dân, thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả, phối hợp với ngân hàng CSXH cho người dân vay vốn mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, việc ứng dựng khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp cũng được nhiều địa phương và các ngành quan tâm hỗ trợ người dân thực hiện.
Sở khoa học công nghệ, trung tâm hỗ trợ nông dân, hội nông dân đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn đầu bờ cho nông dân tham quan học tập các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cùng với việc mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, các mô hình trình diễn sản xuất trồng trọt, chăn nuôi để người dân nhận thấy hiệu quả và nhân rộng, thêm nữa, việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao trình độ chuyên môn tạo ra nguồn lao động dồi dào và chất lượng nhằm khuyến khích đầu tư cũng được quan tâm thực hiện. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiều địa phương đã có sự chuyển biến tích cực trong sản xuất, thay đổi phương thức sản xuất cũ, hình thành nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả. Đối với các xã xây dựng NTM, nhiều mô hình đã được bà con áp dựng tiến bộ KHKT sản xuất theo hướng an toàn, mang lại hiệu quả cao đã được triển khai, giúp cho thu nhập nông dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên môn trong ngành nông nghiệp, mức thu nhập của các xã nông thôn trong khu vực tỉnh BRVT còn thấp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao.
Qua các mô hình sản xuất nông nghiệp cho thấy rằng hiệu quả sản xuất nông nghiệp không chỉ phụ thuộc vào đất đai, thời tiết mà việc lựa chọn cây con giống kĩ thuật canh tác cũng quyết định định năng suất, chất lượng cây trồng không kém. Chính vì vậy giải pháp mà các xã nông thôn mới đưa ra để tăng thu nhập cho nông dân là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất sử dụng đất, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại vừa và nhỏ, khuyến khích người dân tham gia học nghề nông thôn, xúc tiến giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn tại các khu công nghiệp trong và ngoài địa phương. Ngoài ra, ứng dụng KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, giảm hao hụt sau thu hoạch được các xã đặc biệt quan tâm. Giải pháp là vậy và việc thực hiện các giải pháp này đạt được mức độ nào lại là một vấn đề khác.
Xã Sơn Bình, một xã thuần nông với sản xuất nông nghiệp là chính. Kinh tế trong những năm gần đây phát triển mạnh thông qua mức thu nhập bình quân đầu người các năm. Năm 2011 là 9,9tr đ/người, năm 2012 gần 12 tr đ/người và năm 2013 là 29 tr đ/người. Sở dĩ có sự chuyển biến tích cực trên là do những năm gần đây, hồ tiêu, một cây trồng chủ lực của địa phương được mùa, được giá giúp bà con có thu nhập cao. nhiều hộ cũng mạnh dạn đầu tư làm trang trại cũng thu về lợi nhuận, ổn định được cuộc sống. Mặt khác, nhờ chính sách tiêu thụ hàng hóa thông qua hợp đồng mà từ năm 2006 đến nay, xã Sơn Bình đã sản xuất bắp giống đạt hiệu quả cao, đời sống người dân cũng được cải thiện, thu nhập được nâng lên. Đào tạo nghề cũng được triển khai rộng, giúp bà con tăng thêm thu nhập, giải quyết được lao động nhàn rỗi. Hàng năm, việc tập huấn chuyển gia khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đến với bà con nông dân cũng góp phần vào thay đổi nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực trong canh tác, trong sản xuất, chăn nuôi. Từ đó, nâng cao thu nhập gia đình. Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều rủi ro: về thời tiết, dịch bệnh, giá cả thị trường…Về lâu dài, khó có thể giữ vững mức thu nhập như hiện nay. Để đạt được tiêu chí thu nhập, đòi hỏi phải có một chính sách, giải pháp hợp lý, toàn diện và bền vững.
Khi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai sâu rộng thì cũng là lần đầu tiên vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được bàn một cách toàn diện đi từ quy hoạch, định hướng với tầm nhìn dài hạn. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình xây dựng NTM, ngày 15/7/2014, thủ tướng chính phủ đã ban hành chỉ thị số 18 về tăng cường sự chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhằm khắc phục xây dựng NTM ở các địa phương triển khai còn chậm tiến độ so với mục tiêu, yêu cầu đã đề ra trước đó. Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp trên cơ sở xác định thế mạnh, sản phẩm chủ lực, đảm bảo liên kết vùng, hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững. Ngoài ra, địa phương chú trọng vào việc nghiên cứu ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên cho các vùng có sản phẩm chủ lực, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng lớn trong nước. Bên cạnh đó, tập trung vào các mô hình kinh tế hợp tác, các mô hình liên kết nông hộ với doanh nghiệp, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mục tiêu của chương trình xây dựng NTM chính là tạo ra được cuộc sống tốt hơn cho người dân khu vực nông thôn. Việc thực hiện quyết định, chỉ thị của thủ tướng chính phủ với những nội dụng, tiêu chí cụ thể, sát với cuộc sống hàng ngày của người dân sẽ là hướng đi đúng, con đường ngắn nhất để tỉnh BRVT và cả nước triển khai thực hiện và hoàn thành tiêu chí về thu nhập. Qua đó, đưa chương trình xây dựng nông thôn mới sớm về đích.