Nhằm đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN) đều và rộng khắp, hàng năm, Sở KH-CN phối hợp các huyện, thành phố triển khai nhiều hoạt động KH-CN như: kiểm tra phương tiện đo; trang bị, theo dõi, quản lý trạm cân đối chứng; kiểm tra hàng đóng gói sẵn và chất lượng hàng hóa; triển khai ứng dụng tiến bộ KH-CN; theo dõi, quản lý các trạm thông tin điện tử cấp xã...
|
Người dân xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc) tiếp cận thông tin về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt qua trạm thông tin điện tử. Ảnh: HUỆ LONG |
Hoạt động sát với thực tiễn
Theo Sở KH-CN, thời gian gần đây, hoạt động KH-CN của các huyện, thành phố (sau đây gọi là cấp huyện) khá phong phú, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của từng địa phương. Hoạt động kiểm tra đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa được các huyện thực hiện đúng kế hoạch. Ngoài ra, phòng Kinh tế cấp huyện còn chủ trì, tích cực phối hợp với các đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở KH-CN và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thành lập các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất về kiểm tra phương tiện đo sử dụng trong mua bán; hàng đóng gói sẵn theo định lượng và ghi nhãn hàng hóa; chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường (mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, xăng dầu…). Hoạt động này đã góp phần chống hàng gian, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng lưu thông trên thị trường, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Song song đó, phòng Kinh tế cấp huyện cũng thường xuyên chủ động phối hợp với Hội Nông dân các huyện, xã giám sát tình hình hoạt động của trạm thông tin điện tử. Hàng tháng, Sở KH-CN cung cấp 2.000 bản tin Phổ biến kiến thức về KH-CN cho cán bộ và các Hội viên nông dân thuộc các huyện, 700 bản tin Thông tin khoa học và người lãnh đạo, 700 bản tin Sở hữu trí tuệ cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp xã và các DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN còn phối hợp Hội Nông dân, phòng Kinh tế các huyện triển khai hoạt động ứng dụng tiến bộ và chuyển giao KH-CN vào sản xuất và đời sống nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Hoạt động KH-CN cấp huyện ngày càng được quan tâm. Đến nay đã có 8/8 huyện, thành phố thành lập và kiện toàn Hội đồng KH-CN. Ở một số huyện, Hội đồng KH-CN cấp huyện đồng thời là Hội đồng sáng kiến cấp huyện. Điển hình như huyện Xuyên Mộc, năm 2013, Hội đồng xét sáng kiến đã đánh giá, xem xét sáng kiến cho 204 cá nhân thuộc các phòng, ban, đoàn thể, các trường học trên toàn huyện. Hội đồng xét sáng kiến huyện Châu Đức cũng đã tổ chức đánh giá cho 75 sáng kiến của các cá nhân đề nghị hội đồng xem xét công nhận sáng kiến năm 2013.
Hiệu quả từ trạm thông tin điện tử
Dự án xây dựng trạm thông tin điện tử KH-CN ở khu vực nông thôn được đánh giá là một mô hình hiệu quả của hoạt động KH-CN cấp huyện. Theo Sở KH-CN từ năm 2005, mô hình cung cấp thông tin KH-CN đã được triển khai trên địa bàn tỉnh thông qua “trạm thông tin điện tử”, giúp nông dân tiếp cận với KH-CN qua Internet. Trạm thông tin này đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho nông dân, giúp họ nắm bắt được nhiều thông tin về KH-CN, từ đó ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Thông qua Internet, các HTX có thể quảng bá được sản phẩm, nông dân có thể học hỏi những mô hình làm kinh tế hiệu quả, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trạm thông tin điện tử còn được xem là kho tư liệu về khoa học kỹ thuật phong phú cho nông dân tham khảo. Từ Internet, nhiều nông dân còn tìm được các thông tin về sâu bệnh, dịch hại, diễn biến giá lương thực, thực phẩm... để kịp thời có biện pháp ứng phó. “Thư viện điện tử của trạm có nhiều thông tin hướng dẫn nông dân chọn các loại cây trồng có hiệu quả, xây dựng chuồng trại chăn nuôi đúng cách, phương pháp phòng chống dịch bệnh… rất hữu ích cho nông dân”, ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) nhận xét.
Với những nỗ lực đưa KH-CN đến với người dân vùng nông thôn, đến nay, Sở KH-CN đã xây dựng được 35 trạm thông tin điện tử KH-CN tại 35 phường, xã trên địa bàn tỉnh với hàng ngàn tài liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp và chính sách dành cho khu vực nông thôn. Trạm được đặt tại trụ sở UBND xã, Trung tâm Văn hóa-Học tập cộng đồng hoặc Hội Nông dân xã. Mỗi xã có một lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo trạm và 2 cán bộ xã phụ trách việc vận hành trạm và tuyên truyền thông tin đến người dân. Các trạm thông tin điện tử đã hòa mạng tạo thành mạng lưới thông tin KH-CN của tỉnh. 35 website của các trạm thông tin điện tử đã được tích hợp vào website Sở KH-CN thu hút gần 5 triệu lượt người truy cập.