Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu và chủ động được giá cả.
Trong năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu 150.000 tấn hồ tiêu các loại, đạt kim ngạch 1 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, sản lượng hồ tiêu năm 2014 trên thế giới chỉ khoảng 320.000 tấn, giảm mạnh đến 45.000 tấn so với năm ngoái, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại tăng. Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu và chủ động được giá cả. Đây là cơ hội để điều chỉnh giá xuất khẩu tăng do nguồn cung thiếu hụt.
Được giá
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết năng lực sản xuất hồ tiêu hiện nay ở hầu hết các quốc gia khó có khả năng tăng, lượng dự trữ toàn cầu thấp, khả năng mất cân bằng cung cầu có thể xảy ra.
Mua bán trực tiếp đang có xu hướng tăng, các nhà chế biến gia vị lớn, các nhà phân phối bán lẻ, các nhà chế biến thực phẩm có xu hướng mua tiêu trực tiếp từ các nước sản xuất để có nguồn nguyên liệu ổn định, hạn chế mua qua các nhà buôn, trung gian.
Hồ tiêu Việt Nam đã chiếm tỉ trọng lớn áp đảo về sản lượng (chiếm trên 30%) và thị phần xuất khẩu (chiếm trên 50%), với giá cả cạnh tranh. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đồng lòng sẽ đủ sức bình ổn giá cả thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty Phúc Sinh, để chủ động được giá các doanh nghiệp nên đồng hành với khách hàng uy tín, kiên quyết không bán hay kinh doanh với những người hay “xù” hợp đồng (khi giá xuống họ không nhận hàng). Nếu không cương quyết làm như vậy thì rủi ro sẽ còn xảy ra cho doanh nghiệp trong nước.
Nhiều vườn tiêu trồng ở vùng đất không phù hợp làm ảnh hưởng đến năng suất
Sản lượng tiêu thế giới giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại tăng 4%-5%/năm, đây là cơ hội cho Việt Nam đầu tư vườn tiêu bài bản, đạt tiêu chuẩn xuất sang các nước khó tính, gia tăng giá trị với giá cao hơn. Bốn tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 75.514 tấn hồ tiêu các loại, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 40,2%, kim ngạch đạt 519,2 triệu USD (tăng 46,3%). Với giá tiêu đen 6.596 USD/tấn, tiêu trắng 9.606 USD/tấn, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay.
Già cỗi
Giá hồ tiêu trong những năm qua tăng liên tục, nên diện tích trồng tiêu trong nước cũng tăng theo. Năm 2011 diện tích canh tác chỉ khoảng 52.000 ha, năm 2012 tăng lên 54.500 ha, năm 2013 lên 57.000 ha và 2014 là 62.000 ha. Cho dù diện tích canh tác tăng mạnh nhưng ngược lại sản lượng lại thụt lùi. Năm 2011 sản lượng lên đến 120.000 tấn, còn năm 2012 diện tích tăng thêm 2.500 ha nhưng sản lượng lại giảm còn 110.000 tấn. Năm 2013 diện tích tăng thêm 5.000 ha nhưng sản lượng cũng chỉ bằng năm 2011. Đến năm 2014, diện tích tăng thêm đến 10.000 ha nhưng sản lượng cũng chỉ khoảng 125.000 tấn.
Sở dĩ có tình trạng trên là do thấy giá hồ tiêu ổn định ở mức cao từ 150.000-170.000 đồng/kg nên nhiều người nhảy vào trồng vô tội vạ cả trên vùng đất không phù hợp dẫn đến năng suất thấp. Vườn tiêu lâu năm đúng ra phải được phá bỏ, trồng mới nhưng vì giá cao nên nhiều vườn tiêu già cỗi vẫn được nông dân giữ lại khai thác tiếp, làm cho tiêu dễ bị nhiễm bệnh, năng suất giảm dần. Diện tích tiêu già cỗi, bệnh chết từ 1.000-1.200 ha/năm, trong khi diện tích trồng mới chỉ khoảng 2.500 ha/năm.
Diện tích trồng tiêu tăng “nóng” ở cả những vùng đất có điều kiện tự nhiên không phù hợp, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc hóa học thay cho canh tác hữu cơ. Điều này không chỉ làm giảm năng suất mà còn ảnh hưởng đến môi trường, sâu bệnh phát triển, vườn cây suy thoái, nhiều vườn tiêu chết hàng loạt.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, diện tích canh tác tiêu cả nước trong năm nay khoảng 62.000 ha, với sản lượng từ 125.000-130.000 tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 150.000 tấn (trong đó tạm nhập tái xuất khoảng 20.000 tấn), kim ngạch đạt 1 tỉ USD. Đây là kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất từ trước đến nay.