"Những hành vi lừa dối, bóc lột nông dân khi bán vật tư nông nghiệp kém chất lượng là không thể chấp nhận được. Chúng ta không cho phép ai lừa dối, bóc lột nông dân…”- Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã khẳng định như trên khi trao đổi với phóng viên NTNN.
Ông Cao Đức Phát - Ảnh: anninhthudo
Có ý kiến cho rằng, xuất khẩu nông sản dù đạt được bao nhiêu đi nữa mà đời sống của nông dân không được ổn định và ngày một tốt hơn thì vẫn là thất bại. Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?
- Hiệu quả sản xuất đối với nông dân đang bị khống chế bởi 2 yếu tố: Một là thị trường và hai là vật tư nông nghiệp. Muốn làm lợi cho dân thì phải thúc đẩy mở rộng, phát triển thị trường để nông sản làm ra bán được giá cao, đồng thời phải giúp cho dân có được vật tư nông nghiệp giá thấp với chất lượng tốt.
Nhưng thực tế, nhiều loại vật liệu nông nghiệp cung cấp cho nông dân vẫn còn tình trạng chất lượng không đảm bảo và tỷ lệ không đảm bảo còn cao. Số liệu thống kê của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho thấy, tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp được kiểm tra, đánh giá phân loại lần đầu và định kỳ xếp loại A, B đạt 78,1%, số xếp loại C (loại yếu kém nhất trong thang đánh giá) vẫn chiếm tới 21,9%.
Tuy vậy, chỉ có 9,3% cơ sở xếp loại C được tái kiểm và tỷ lệ tiếp tục xếp loại C là 57,9%. Nhìn chung, nhiều địa phương chưa tổ chức kiểm tra lại đối với các cơ sở xếp loại C, chưa xử lý dứt điểm các cơ sở bị xếp loại C sau 2 lần kiểm tra và chưa công khai các cơ sở xếp loại A, B, C trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, chúng ta phải làm quyết liệt trong thời gian tới.
Chất lượng vật tư nông nghiệp gắn liền với 70% dân số là nông dân, họ sử dụng nhiều nhất và khi chất lượng vật tư kém thì họ cũng là người phải gánh chịu lớn nhất. Phải chăng vật tư nông nghiệp kém chất lượng đang bị “thả nổi”, thưa Bộ trưởng?
- Thời gian qua, Bộ NNPTNT cùng các địa phương đã xác định rõ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp xếp loại C, nhưng vẫn chưa xử lý được dứt điểm. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, khiến người dân rất bức xúc.
Những hành vi lừa dối, bóc lột người dân khi bán vật tư nông nghiệp kém chất lượng là không thể chấp nhận được. Chúng ta không cho phép bất cứ ai lừa dối, bóc lột nông dân. Nông dân bỏ tiền ra mua vật tư nông nghiệp thì phải được doanh nghiệp cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt. Mấy tháng vừa qua, Bộ đã đình chỉ việc khảo nghiệm vật tư nông nghiệp mới, nhưng chúng ta cũng không thể đình chỉ mãi.
Tôi đã thông báo bắt đầu từ ngày 1.7 tiếp tục tiếp nhận hồ sơ và tiếp tục khảo nghiệm, nhưng phải làm một cách chặt chẽ nhất. Triết lý về quản lý vật tư nông nghiệp không phải là tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp có cái gì thích bán thì đem bán cho nông dân. Doanh nghiệp chỉ được phép đem bán cho nông dân những vật tư tốt nhất, có lợi cho nông dân. Không cho phép bất kỳ ai lừa dối người dân, kiếm chác trên lưng người nông dân.
Chúng ta phải sàng lọc, loại bỏ những thứ vật tư lặt vặt, kém chất lượng, thậm chí sau một đêm nghĩ ra công thức rồi đem ra thị trường bán cho nông dân. Vật tư nông nghiệp phải là những kết quả khoa học và phải đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.
Hơn nữa, vấn đề quản lý vật tư nông nghiệp không chỉ là hiệu quả kinh tế mà còn là đảm bảo an toàn thực phẩm, thúc đẩy xuất khẩu. Hiện nay, chính dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, những sinh vật ở trên các loại nông sản đang là vấn đề nổi cộm, cản trở xuất khẩu nông sản của nước ta.
Việc sử dụng chất kích thích, chất cấm vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho nhân dân. Vậy, Bộ trưởng có đặt mục tiêu xử lý triệt để vấn đề này?
Chúng ta phải sàng lọc, loại bỏ những thứ vật tư lặt vặt, kém chất lượng, thậm chí sau một đêm nghĩ ra công thức rồi đem ra thị trường bán cho nông dân. Vật tư nông nghiệp phải là những kết quả khoa học và phải đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân”. Bộ trưởng Cao Đức Phát
- Bức xúc nhất trong dân hiện nay là vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư quá mức cho phép trên nông sản, đặc biệt là cây rau. Bây giờ 14 triệu hộ nông dân trồng rau cho chính mình ăn có bón thuốc kích thích và phun thuốc sâu bừa bãi không?
Câu trả lời là không. Vậy họ bón, phun thuốc bừa bãi, vô tội vạ thì bán cho ai? Họ bán cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Vậy chúng ta phải tập trung quản lý ở vành đai rau cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nếu chúng ta làm tốt được hai khu vực này thì chúng ta làm cải biến 70% công việc.
Vì thế, tôi có đề nghị Cục BVTV cùng với Cục Trồng trọt, các địa phương xác định vành đai rau cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là chỗ nào và chúng ta thiết lập hệ thống tập trung cao độ vào quản lý cái đấy. Mọi người về quê, bố mẹ hay gia đình cho rau thì toàn rau nhà trồng để ăn, có ai phun thuốc đâu.
Còn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp xếp loại C, Bộ trưởng sẽ xử lý như thế nào?
- Các doanh nghiệp nhóm C chính là hang ổ của vật tư kém chất lượng, hang ổ của vi phạm. Báo cáo tổng hợp từ 39/63 tỉnh, thành phố gửi về Bộ NNPTNT tính đến ngày 23.6.2014 cho thấy, trong số 3.751 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp được thanh tra, kiểm tra đã phát hiện ra 817 cơ sở vi phạm, chiếm 21,7%.
Cục BVTV cũng đã tiến hành thanh, kiểm tra 1.939 cửa hàng, đại lý, trong đó có 318 cửa hàng, đại lý vi phạm (chiếm 16,40%) và phạt tiền 123 trường hợp; đã lấy 47 mẫu thuốc BVTV để kiểm tra chất lượng, trong đó số mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng chiếm 6,38% số mẫu được phân tích. Chúng ta đã phát hiện ra các cơ sở vi phạm thì phải suy nghĩ để cùng các địa phương kiên quyết xử lý, chấn chỉnh, tránh những thiệt hại không đáng có đối với nông dân.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!