Vừa qua, gần 122 ha ca cao của huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã được Tổ chức chứng nhận ca cao toàn cầu Solidaridad cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn UTZ. Đây là tin vui cho những người trồng ca cao, cũng là bước khởi đầu thuận lợi để xây dựng thương hiệu cho cây ca cao Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian tới.
Tháng 8-2010, được sự đồng ý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH ca cao Thành Đạt đã đứng ra vận động 195 hộ nông dân trồng ca cao với diện tích gần 122 ha trên địa bàn huyện Châu Đức. Kỹ thuật trồng ca cao được áp dụng theo các tiêu chí của chuẩn UTZ (chương trình chứng nhận các sản phẩm nông nghiệp có trách nhiệm, không những bảo đảm về chất lượng mà còn bảo đảm về mặt môi trường, kinh tế và xã hội).
Theo ông Võ Đình Một, nông dân tham gia chương trình trồng cây ca cao theo tiêu chuẩn UTZ ở xã Xà Bang, áp dụng quy chuẩn bắt buộc của UTZ so với những năm trước không những đạt năng suất cao mà chất lượng hạt ca cao bảo đảm được các tiêu chuẩn quốc tế nên giá bán cao hơn ca cao trồng theo phương pháp thông thường từ 2 - 3 triệu đồng/tấn.
Bà Bùi Thị Ấm, ở xã Láng Lớn, phấn khởi cho biết, trồng ca cao theo tiêu chuẩn UTZ năng suất bình quân đạt 1,6 tấn/ha. Hiện giá ca cao thông thường được mua trên thị trường 67 triệu đồng/tấn, nhưng với ca cao đạt tiêu chuẩn UTZ được thu mua với giá hơn 70 triệu đồng/tấn, với mức giá này sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 80 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế của ca cao đạt UTZ đã khuyến khích nông dân phát triển diện tích trồng trong những năm tới.
Nhiều hộ nông dân tham gia chương trình cũng chia sẻ, trồng ca cao theo tiêu chuẩn UZT không khó, nhưng bắt buộc phải tham gia các lớp tập huấn và áp dụng quy trình sản xuất theo UTZ từ khâu chăm sóc, bón phân, thu hoạch và sơ chế. Bên cạnh đó, cây ca cao là cây trồng thích hợp cho những nông dân ít vốn do chi phí đầu tư ban đầu cho cây ca cao thấp hơn so với các loại cây công nghiệp khác như hồ tiêu, cà phê... khoảng 50%.
Ông Nguyễn Văn Thiết, Trưởng đại diện Chương trình UTZ tại Việt Nam cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng với Đắc Lắc, Tiền Giang là 3 tỉnh đầu tiên của cả nước được chọn tham gia chương trình của bộ tiêu chuẩn UTZ và được cấp giấy chứng nhận sớm nhất. Với sản phẩm đạt chứng nhận UTZ, người sản xuất ca cao minh chứng đã thực hành nông nghiệp tốt, quản lý trang trại hiệu quả và sản xuất ca cao có trách nhiệm, đó cũng là sự bảo đảm về sản phẩm để các cơ sở và doanh nghiệp chế biến ca cao quyết định thu mua.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.200 ha đất trồng ca cao, là một trong 7 địa phương có diện tích trồng ca cao lớn trong cả nước. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch là 250 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 200 tấn. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xuất được gần 50 tấn ca cao với giá bán hơn 65 triệu đồng/tấn tăng 30% so với năm ngoái. Trong năm 2010, ngành nông nghiệp đã tổ chức khảo sát, đánh giá tổng thể về các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ phát triển hơn 1.500 ha cây ca cao xen canh với các loại cây công nghiệp khác.
Theo ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thành Đạt, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ca cao rất lớn, trong khi nguồn cung khan hiếm. Trong xu thế phát triển hiện nay, việc xây dựng chứng chỉ UTZ cho cây ca cao là điều kiện tốt để xây dựng một thương hiệu ca cao uy tín về chất lượng trên thị trường. Chất lượng ca cao canh tác theo tiêu chuẩn UTZ của bà con nông dân được đánh giá cao, chinh phục được những thị trường khó tính như Nhật Bản, Pháp... Vì vậy, đây chính là cơ hội cho cây ca cao Bà Rịa - Vũng Tàu “lên ngôi”!