“Nhận thấy mô hình trồng nấm rơm cho hiệu quả kinh tế cao và sản phẩm nấm sạch đang là lựa chọn, quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Vì vậy, khi bắt tay vào thực hiện mô hình để phát triển kinh tế của gia đình, tôi mong muốn xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm nấm rơm ngay trên vùng lúa Cát Tiên” - anh Nguyễn Tiến Dũng nói.
Để thực hiện mô hình trồng nấm rơm, anh Dũng đã phải đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi như ở Long Khánh (Đồng Nai), Mỹ Tho (Tiền Giang). Đây là những địa điểm được biết đến là “thủ phủ” của nghề trồng nấm rơm với rất nhiều nông hộ ăn nên làm ra, có cuộc sống khá giả từ nghề này. Để sản xuất ra những cân nấm rơm hữu cơ sạch, anh Dũng luôn tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng, từ khâu chuẩn bị meo nấm tốt, giống khỏe mạnh, không có tạp chất, mua từ cơ sở sản xuất uy tín; nguồn nguyên liệu rơm đảm bảo chất lượng, rơm có màu vàng tươi, sợi mềm… Đồng thời, để trồng nấm rơm đạt năng suất, chất lượng tốt nhất thì trong quá trình trồng cần lưu ý điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm phù hợp.
Anh Nguyễn Tiến Dũng thu hoạch nấm rơm trồng trong phòng kín, từ nguồn nguyên liệu bông thải
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng nấm rơm của gia đình anh Dũng vào thời điểm chuẩn bị một vụ thu hoạch nấm mới. Nhìn những cây nấm đang ngày một phát triển, anh Dũng chia sẻ: “Gia đình tôi trồng nấm rơm theo 2 hình thức: Trồng nấm rơm ngoài trời khi nguồn nguyên liệu rơm tại địa phương dồi dào, chi phí đầu vào giảm, tuy nhiên với phương thức này thì năng suất nấm không đạt cao vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Hình thức thứ 2 là trồng nấm rơm trong phòng kín từ nguồn nguyên liệu bông thải (khi nguồn nguyên liệu rơm khan khiếm) và ưu điểm của hình thức này là không phụ thuộc vào thời tiết, chủ động được nhiệt độ và ẩm độ, giúp nấm phát triển tốt, đạt năng suất cao”. Tuy nhiên, để trồng nấm rơm trong phòng kín thì cần nguồn vốn đầu tư lớn để làm phòng kín, nguồn nguyên liệu bông không sẵn có tại địa phương, phải tìm mua tại các tỉnh có các khu công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương... Vì vậy, gia đình anh Dũng chủ yếu trồng nấm rơm ngoài trời từ nguồn nguyên liệu rơm sẵn có tại địa phương.
Qua hơn 1 năm trồng, anh Dũng nhận thấy, nấm rơm phát triển tốt tại địa phương, cho năng suất khá cao, đồng thời địa phương có diện tích trồng lúa lớn nên nguồn nguyên liệu rơm dồi dào, dễ tìm, giá rẻ nên bước đầu hiệu quả kinh tế khá cao, lợi nhuận đạt khoảng 40% so với chi phí đầu tư. Với mong muốn tạo uy tín cho sản phẩm nấm rơm của gia đình, mặc dù đầu ra cho sản phẩm nấm của gia đình anh còn rất hạn chế, nhưng anh Dũng không bán đổ mối tại chợ vì sợ lẫn với hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng... mà bán trực tiếp cho bà con nhân dân trong huyện thông qua mạng xã hội facebook, các quán ăn, nhà hàng,… mỗi ngày anh bán được khoảng 10 kg nấm. Số nấm dư, gia đình anh Dũng đem bán tại Bình Phước. Để có thể phát triển nghề trồng nấm rơm một cách bền vững và nâng cao thu nhập cho gia đình, anh Nguyễn Tiến Dũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và hỗ trợ nguồn vốn đầu tư,…
Nghề trồng nấm rơm theo hướng hữu cơ chưa thể đem lại sự thành công trong ngày một ngày hai, song với quyết tâm, cách làm ăn của nông dân Nguyễn Tiến Dũng là không vì lợi nhuận trước mắt mà làm ra các sản phẩm kém chất lượng, hướng đến xây dựng thương hiệu, khẳng định sản phẩm của mình, tạo uy tín, niềm tin cho người tiêu dùng, để có thể phát triển một cách bền vững, đó mới là niềm tin về sự thành công của mô hình. Vì vậy hướng đi của nông dân Nguyễn Tiến Dũng ở xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên chính là hướng đi đúng và cũng là cách đã tạo nên thành công của rất nhiều mô hình nông nghiệp trong tỉnh cũng như trong cả nước.