Anh Nguyễn Nhật Duật vốn một người năng động, đam mê tìm tòi, sáng tạo và tình yêu vô bờ dành cho nông nghiệp. Khi nhận thấy phát triển cây dược liệu là định hướng mới đang được nhà nước quan tâm, anh quyết định tìm hiểu, học hỏi về thị trường, quy trình trồng, chăm sóc… cây đinh lăng và 1 số cây dược liệu khác để đầu tư sản xuất.
Ngay khi thuê được đất sản xuất, anh thiết kế vườn với diện tích khoảng 4,5 ha trồng và nhân giống cây đinh lăng (trong đó có 2 ha trồng xen với cây mít Thái để lấy bóng râm); 3 ha trồng một số cây dược liệu khác; còn lại xây dựng đường đi và nhà xưởng. Nhờ thiết kế bài bản, sản xuất có kế hoạch mà mảnh đất hoang hóa đã được cải tạo thành một vùng sinh thái với cảnh quan sạch đẹp, cùng các loại cây dược liệu xen kẽ cây ăn quả để tạo bóng. Sau 3 năm đầu tư sản xuất, đến cuối năm 2018, anh thu lứa đinh lăng đầu tiên với diện tích 15 sào. Mỗi sào thu 500 – 600 cây, với giá bán 25.000 đồng/kg tươi, cho doanh thu 150 – 180 triệu đồng/sào, với thị trường tiêu thụ là Công ty Dược phẩm Traphaco, Công ty Dược Hải Hà Thái Bình,… Bên cạnh đó, diện tích mít Thái trồng xen năm nay cũng thu hoạch được hơn 8 tấn, cung cấp cho thị trường Thái Bình, Hà Nội, với giá bán 20.000 – 30.000 đồng/kg cho thu về khoảng 200 triệu đồng. Hiện tại trong vườn của anh có khoảng 15 lao động cố định với thu nhập hàng tháng trên 3 triệu đồng.
Anh Duật cho biết: Trong quá trình triển khai, anh gặp nhiều khó khăn do đây là vùng trồng lúa kém hiệu quả bị bỏ hoang nên chuột, cỏ dại rất nhiều. Không nản chí, anh tìm mọi biện pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn như tận dụng nguồn lao động tại địa phương, áp dụng đồng bộ các biện pháp để diệt chuột, cỏ dại, cải tạo đất, thuê thiết kế, thi công xây dựng,… Bên cạnh đó còn là sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương mà mô hình của anh được triển khai nhanh chóng, thuận lợi.
Anh Nguyễn Nhật Duật bên trang trại của mình
Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục chú trọng vào trồng sản xuất cây đinh lăng và coi đây là cây trồng chủ yếu, là hướng đi lâu dài của cơ sở; mở rộng diện tích mít trồng xen để tạo bóng, giúp giảm được chí phí mua lưới đen che và nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời đầu tư vào nhân giống, cung cấp giống cây đinh lăng ra thị trường và thu mua sản phẩm để góp phần thúc đẩy các địa phương mạnh dạn chuyển đổi.
Anh còn cho biết thêm: Cây đinh lăng dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng yêu cầu phải làm luống cao, thoát nước tốt và sau trồng ít nhất 3 năm mới thu hoạch được nên ảnh hưởng đến tâm lý nông dân khi đầu tư ban đầu. Do đó, để phát triển được cần có sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, ban quản trị HTX như: đứng ra cung cấp giống, hướng dẫn về kỹ thuật, liên kết các doanh nghiệp tổ chức bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Theo ông Vũ Đức Đô - Giám đốc kinh doanh Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp xã Quỳnh Hội cho biết: Đây là mô hình khả quan, có nhiều triển vọng, tạo ra một hệ sinh thái mới, góp phần hạn chế được diện tích ruộng bỏ hoang và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Trong thời gian tới Hợp tác xã sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ mô hình về công tác thủy lợi, diệt chuột,…
Nhờ sự mạnh dạn đầu tư, nắm bắt thị trường, mày mò nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, anh Duật đã thành công. Mô hình của anh hiện đang phát triển tốt, mảnh đất hoang hóa giờ đây đã được phủ xanh bởi cây đinh lăng và một số cây dược liệu xen với cây che bóng sai trĩu quả, cùng với cảnh quan sạch đẹp đã được đông đảo người dân gần xa đến tham quan học hỏi. Đây cũng là một trong những hướng đi mới nhiều triển vọng cho những vùng đất ruộng bỏ hoang, trồng lúa kém hiệu quả của tỉnh ta hiện nay.