Trong khi lời giải cho bài toán việc làm của lao động nông thôn ở huyện Quảng Ninh đang gặp nhiều khó khăn thì tại xã biển bãi ngang Hải Ninh đã xuất hiện những điển hình thanh niên mạnh dạn làm giàu bằng nhiều ngành nghề kinh doanh, cho thu nhập cao và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Họ là những thanh niên có tuổi đời còn khá trẻ nhưng luôn kiên trì vượt khó, mạnh dạn học hỏi để lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, trở thành những tấm gương truyền lửa đam mê cho những thanh niên khác trên bước đường khởi nghiệp.
Có một công việc ổn định với mức thu nhập khá nhưng chị Nguyễn Thị Như Mận, sinh năm 1985, ở thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh vẫn sẵn sàng từ bỏ để chọn hướng đi đầy chông gai: khởi nghiệp từ đặc sản “sâm trên cát” của quê hương. Chị Như Mận - giám đốc của Công ty TNHH Như Mận chia sẻ: “Bước đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ, nhưng đến nay chúng tôi đã có một chỗ đứng nhất định. Hiện tại sản phẩm khoai gieo Như Mận đã có mặt tại một số cửa hàng nông sản sạch và các siêu thị ở các tỉnh, thành trong cả nước. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì… để đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng tốt hơn”.
Sau bao năm tháng bôn ba ở quê người, chị trở về quê hương với suy nghĩ phải làm gì để đưa thương hiệu khoai gieo Hải Ninh vươn xa hơn nữa, để mọi người khắp nơi có thể thưởng thức món quà quê ý nghĩa này. Sản phẩm khoai gieo Như Mận ra đời là một bước ngoặt làm thay đổi cách nghĩ, phương thức sản xuất khoai gieo nhỏ lẻ trước đây của người dân địa phương.
Được sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè, chị Mận đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và trang bị máy móc, thiết bị khá hiện đại phục vụ sản xuất. Hàng năm, Công ty TNHH Như Mận xuất bán ra thị trường 50-60 tấn khoai gieo thương phẩm, đưa lại lợi nhuận từ 350-400 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương có thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm khoai gieo đã có mặt tại nhiều thị trường
Người thứ hai mà chúng tôi muốn giới thiệu là anh Nguyễn Văn Toản. Xuất thân trong một gia đình ngư dân nghèo, sinh năm 1987 nhưng giờ đây anh Toàn đã làm chủ cơ sở may TTQ ở xã Hải Ninh và 10 cơ sở vệ tinh khác ở các xã, thị trấn trên địa bàn hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Mỗi ngày các cơ sở sản xuất được từ 7.000 đến 8.000 sản phẩm áo quần, xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Canada... đưa lại doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/tháng.
Sau khi kết thúc hợp đồng xuất khẩu lao động, năm 2014 Nguyễn Văn Toàn trở về quê hương cùng hòa mình vào phong trào làm ăn kinh tế. Nhận thấy lực lượng lao động dồi dào và với đức tính cần cù, chịu khó vốn có của những người dân miền biển, Toàn chọn con đường khởi nghiệp bằng nghề may. Từ một sơ cở nhỏ, lẻ gồm 25 đầu máy may công nghiệp chỉ đáp ứng việc làm cho 30 công nhân tại địa phương với mức thu nhập từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng; đến nay cơ sở may TTQ của anh đã mở rộng thêm nhiều cơ sở vệ tinh, giải quyết việc làm với mức thu nhập ổn định 6,5 triệu đồng/người/tháng cho 180 lao động.
Mặc dù còn khá mới mẻ nhưng sự xuất hiện của Hợp tác xã sản xuất, mua bán và chế biến thủy sản Vương Đoàn của chị Nguyễn Thị Đoàn, sinh năm 1983, đã minh chứng cho khát vọng vươn lên làm giàu của thanh niên miền biển Hải Ninh.
Sinh ra và lớn lên ở vùng biển bãi ngang, từ nhỏ chị đã theo mẹ thu mua tôm, cá ở các thuyền về chợ bán kiếm thêm đồng lời phụ giúp gia đình. Và cũng từ đó, tình yêu kinh doanh, buôn bán đã dần ngấm sâu vào máu thịt của chị lúc nào không hay. Nhận thấy ở địa phương có nguồn thủy hải sản tươi ngon và dồi dào ngư dân đánh bắt được mỗi ngày, nhưng lại khó tiêu thụ vì thương lái mua ít, ép giá, nhiều khi được mùa nhưng giá cả lại quá thấp. Vì vậy, chị quyết định đầu tư thu mua hải sản và chế biến để góp phần hỗ trợ cho bà con tiêu thụ sản phẩm, giá cả ổn định hơn. Sản phẩm làm ra dần cũng có chỗ đứng trên thị trường, nên chị đầu tư gần 2 tỷ đồng mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị máy móc, phương tiện phục vụ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh và tạo việc làm cho hàng chục lao động.
Chị Nguyễn Thị Đoàn, Giám đốc HTX Vương Đoàn, xã Hải Ninh cho biếtl: “Lợi thế của hợp tác xã là được thu mua hải sản của ngư dân trong xã và các xã ven biển của huyện Lệ Thủy đánh bắt được trong ngày hoặc đêm nên rất tươi, ngon. Sau đó tiến hành phân loại, sơ chế, sấy khô và bảo quản tốt sản phẩm nên được thị trường ưa chuộng. Các sản phẩm sấy khô đóng gói như mực, tôm, cá bờm trắng, ruốc… của Hợp tác xã Vương Đoàn bước đầu cũng đã xuất khẩu sang thị trường nước ngoài nên đưa lại lợi nhuận khá cao”.
HTX chế biến thủy sản Vương Đoàn tạo việc làm cho nhiều lao động
Hiện nay, bình quân mỗi tháng Hợp tác xã Vương Đoàn thu mua của ngư dân từ 50 đến 70 tấn thủy hải sản tươi sống; những tháng cao điểm được mùa biển có thể lên đến gần 100 tấn. Các sản phẩm hải sản sấy khô, đóng gói của HTX được tiêu thụ khá nhanh không những trên thị trường trong tỉnh, các tỉnh phía Bắc mà con xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Thái Lan, Lào, đưa lại lợi nhuận từ 500 đến 700 triệu đồng/tháng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 11 xã viên và 40-50 lao động theo thời vụ với mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng/người/tháng.
Thành công từ các mô hình khởi nghiệp, những thanh niên như chị Mận, chị Đoàn, anh Toàn trở thành tấm gương điển hình vượt khó làm giàu ở vùng biển bãi ngang còn nhiều khó khăn này. Ông Phạm Văn Liệu - Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết: “Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã chủ động khuyến khích người dân, đặc biệt là thanh niên phát huy thế mạnh của địa phương để mở mang ngành nghề dịch vụ và thực tế những năm gần đây trên địa bàn đã xuất hiện khá nhiều mô hình thành niên khởi nghiệp tiêu biểu. Các doanh nghiệp trẻ trên địa bàn làm ăn hiệu quả và tạo được việc làm cho hàng trăm lao động tại đia phương, đó là điều đáng phấn khởi”.
Trên địa bàn huyện Quảng Ninh hiện có hơn 519 mô hình thanh niên khởi nghiệp vươn lên làm giàu trên các lĩnh vực khác nhau. Lực lượng này đã và đang tạo ra một phong trào khởi nghiệp có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và kiến thiết quê hương, xứng đáng “là rường cột nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước” như Bác Hồ hằng mong muốn.