Sau 2 ngày mưa vần vũ do ảnh hưởng của bão số 1, trời đã nắng đẹp, cuộc sống lao động, sinh hoạt của người dân đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, nét u ám vẫn hiện rõ trên khuôn mặt của những ông chủ trại chăn nuôi gà ở xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, bởi sau trận cuồng phong họ đã bị trắng tay và trở thành những con nợ.
Ông Lê Văn Tô, Chủ tịch UBND xã Đá Bạc đưa chúng tôi đến trại chăn nuôi gà của anh Trần Văn Nam ở thôn Bầu Điển, trang trại bị thiệt hại nặng nề nhất trên địa bàn huyện Châu Đức sau cơn bão số 1 vừa rồi. Sau những ngày mưa tầm tã, con đường đến trại gà của anh Nam trở nên lầy lội, khó khăn lắm chúng tôi mới đến trang trại được bằng xe gắn máy. Đến nơi, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là cảnh đổ nát của một trang trại chăn nuôi gà lớn nhất nhì tỉnh. Cả nhà anh Nam đang vây bắt đàn gà trong các dãy trại bị sập để đưa lên xe công nông chuyển tới các trại gà không bị sập để gửi. Anh Trần Văn Nam, chủ trại gà rộng 2 ha này xót xa kể, cơn bão số 1 đã làm 10 dãy trại gà của gia đình anh bị sập hoàn toàn. “Thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể!” - anh Nam rầu rĩ nói. Theo tính toán sơ bộ của anh, có khoảng 2 ngàn con gà đã bị chết, số còn lại đang nằm dưới đống đổ nát, không biết bao nhiêu đã chết, bao nhiêu còn sống. Hai ngày nay, anh đã huy động vài chục người đến để bắt gà chuyển sang trại khác, nhưng vẫn chưa thể bắt hết được. Hiện vẫn còn khoảng 5 dãy trại với số lượng gần 30 ngàn con gà chưa di chuyển được. “Phải mất khoảng 5-6 ngày nữa mới mong bắt được hết đàn gà”, anh Nam buồn bã.
Tổng đàn gà của gia đình anh Nam có khoảng 60 ngàn con, độ tuổi từ 2 tuần - 50 ngày, lứa gà lớn nhất chưa được 1,5 kg/con, gia đình anh đang chăm sóc để chờ ngày xuất chuồng. Nhưng không ngờ, trận bão vừa qua đã quét sạch hết bao thành quả của gia đình. Anh Nam ngao ngán nhẩm tính: “Mới tính mỗi tiền làm trại nuôi thôi, gia đình tôi đã thiệt hại gần 3 tỷ đồng, chưa kể tiền gà, tiền công và các chi phí khác”.
Cách trại gà của anh Nam không xa là trại gà của anh Đỗ Thanh Tâm cũng bị thiệt hại nặng do bão. Khi chúng tôi đến, anh Đỗ Thanh Tâm đang đi liên hệ với một trại gà ở xã Nghĩa Thành để xin chuyển đàn gà bị nạn của anh tới gửi. Anh Lê Quang Toán, người chung vốn cùng anh Tâm xây dựng trại gà này cho biết, trại gà của họ có 4 dãy trại, toàn bộ đã bị sập, tổng đàn gà hơn 20 ngàn con. “Hiện nay, chúng tôi đang huy động lực lượng để cứu số gà còn sống chuyển đi, nhưng rất khó khăn, do phải kiếm từng con một dưới đống đổ nát”, anh Toán than thở.
Anh Lê Quang Toán cho chúng tôi biết thêm, trại gà của anh mới nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam được hơn một năm nay, với mức hoa hồng là 1.500 đồng/kg. “Tiền vốn chúng tôi bỏ ra để xây dựng trang trại gần 3 tỷ đồng, tất cả đều đang vay ngân hàng những tưởng sau 4 năm trại gà sẽ thu hồi vốn, nào ngờ…”, anh Toán bỏ lửng câu nói, đưa tay quẹt mồ hôi xót xa.
Trên địa bàn xã Đá Bạc còn một số trại gà khác cũng bị ảnh hưởng bão số 1, như trại gà của anh Trần Văn Xuân, anh Nguyễn Văn Cư, ông Trần Văn Đông…Các trại này may mắn là số lượng gà chết ít hơn, nhưng mức độ thiệt hại so với vốn bỏ ra cũng không nhỏ.
Ông Lê Văn Tô, Chủ tịch UBND xã Đá Bạc cho biết, công tác phòng, chống bão trên địa bàn xã đã được quán triệt rộng rãi và nhân dân cũng đã rất chủ động đối phó. Tuy nhiên, do các trang trại gà nằm ở khu vực ít cây, trống trải, chủ yếu là đất đá, khó xây dựng các trang trại kiên cố, thành thử khi có gió lớn là các trại rất dễ bị sập. “Mong rằng, Nhà nước có biện pháp hỗ trợ để giúp các chủ trại vượt qua khó khăn này vì đa số họ đều phải vay vốn ngân hàng để làm ăn”, ông Lê Văn Tô tâm sự.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, toàn tỉnh có 6 trại chăn nuôi gà bị sập hoàn toàn sau bão số 1, chủ yếu nằm trên địa bàn hai huyện Xuyên Mộc và Châu Đức.