1. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức kiểm tra, rà soát, huy động tối đa lực lượng với phương châm “4 tại chỗ” nhằm khắc phục nhanh hậu quả do giông lốc, mưa đá và thiên tai gây ra. Thu gom, xử lý tàn dư cây trồng bị vùi lấp, khơi thông dòng chảy, kiểm tra các bờ kênh, mương, đảm bảo tiêu nước nhanh gọn những khu vực có nguy cơ bị ngập úng. Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nhân dân khẩn trương thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng, đảm bảo an toàn cho sản xuất.
Đối với cây lúa, ngô, hoa màu bị ảnh hưởng có khả năng phục hồi, tiến hành các biện pháp tiêu úng nước, chăm sóc, làm cỏ, xới xáo đất tạo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển, hồi phục. Đối với diện tích không có khả năng hồi phục, chuẩn bị đủ giống, phân bón và khẩn trương làm đất gieo trồng lại, đảm bảo kế hoạch và thời vụ sản xuất; hoặc chuyển đổi cây trồng phù hợp. Đối với cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả lâu năm, cần tập trung thu hoạch nhanh, gọn những cây đã đến kì thu hoạch; đồng thời cắt, tỉa tán cây; dọn vệ sinh vườn trồng, tạo thông thoáng đề phòng giông lốc, lũ, ngập úng. Sau khi thiên tai xảy ra, cần khẩn trương thực hiện các biện pháp thoát nước mặt luống, xới phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân phục hồi vườn cây.
Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, xã tổ chức kiểm tra nắm bắt tình hình thiệt hại, bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, để có các biện pháp chỉ đạo ứng phó kịp thời, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân. Thống kê tình hình thiệt hại, tổng hợp đề xuất phương án hỗ trợ để khôi phục sản xuất, báo cáo kịp thời về Sở Nông nghiệp và PTNT theo quy định.
2. Chi cục Trồng trọt và BVTV: Chủ động phối hợp với phòng Nông nghiệp/Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố theo dõi diễn biến tình hình thời tiết và tiến độ gieo trồng, để có phương án chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn các biện pháp khắc phục thiệt hại và phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Thực hiện tốt công tác quản lý giống, vật tư nông nghiệp; công tác dự tính dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng, đặc biệt đối với cây lúa để hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
3. Chi cục Thủy lợi: Chủ động phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố xuống cơ sở nắm bắt tình hình, hướng dẫn khơi thông kênh mương, đập đầu mối để cung cấp nước sản xuất và tiêu úng; đồng thời, rà soát hệ thống tưới tiêu, kênh mương, hồ đập có nguy cơ bị sạt, trượt lở, lún hay đổ gãy, thống nhất với phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế báo cáo UBND huyện bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa kịp thời.
4. Trung tâm Khuyến nông và DVNN: Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và huyện, thị xã, thành phố tăng cường tập huấn, xây dựng mô hình và hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng.
5. Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh: Chuẩn bị đầy đủ số lượng, chủng loại giống, vật tư, phân bón và cung ứng kịp thời cho sản xuất. Phối hợp với các Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố xây dựng mô hình và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật.