Trước tình hình đó, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT vừa có công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố, các đơn vị chuyên môn thuộc Sở tập trung chỉ đạo phòng chống sâu bệnh hại lúa Chiêm Xuân và vải thiều năm 2020.
Cụ thể, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật Nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh đạo ôn lá trong giai đoạn hiện nay và đạo ôn cổ bông giai đoạn lúa thấp thò trỗ (khi lúa trỗ 5%), đặc biệt trên các giống nhiễm (lúa nếp, lúa chất lượng), ruộng bón thừa đạm, ruộng cấy mật độ dày và các ổ đạo ôn hàng năm hay xuất hiện. Chỉ đạo phun phòng trừ sớm ngay từ khi xuất hiện bệnh bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu có hoạt chất Isoprothiolane, Tricyclazole, Fenoxanil, Azoxystrobin...; đồng thời theo sát mức độ phát sinh của sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu... để phòng trừ kịp thời. Ngoài ra, chỉ đạo hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, chăm sóc để cây trồng sinh trưởng phát triển tốt như: điều tiết nước hợp lý, bón phân cân đối và bón bổ sung kali vào giai đoạn đòng - trỗ để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, giúp hạt mẩy, cho năng suất cao.
Đối với vải thiều, tập trung phòng trừ kịp thời các đối tượng đã xuất hiện và gây hại như: bệnh sương mai, thán thư, bọ xít, sâu đục quả, đặc biệt từ giai đoạn đỏ cuống cần tập trung chỉ đạo hướng dẫn các nhà vườn phun phòng trừ bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu, trong danh mục; phun đảm bảo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách), đảm bảo thời gian cách ly; ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, thuốc có thời gian cách ly ngắn để đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra, cần áp dụng các biện pháp chăm sóc kịp thời như: tưới nước, bón phân cân đối NPK, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi lượng, chế phẩm sinh học nhằm tăng sức chống chịu đối với sâu bệnh, cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tập trung công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo các đối tượng sâu bệnh hại từ nay đến cuối vụ, tham mưu các biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Tăng cường kiểm tra cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, ngoài danh mục hoặc cấm sử dụng.
Trung tâm Khuyến nông phối hợp với với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.