Hiện nay lúa trà sớm đang giai đoạn đứng cái - làm đòng, trà chính vụ đẻ nhánh rộ - sau đẻ nhánh, trà muộn hồi xanh - đẻ nhánh. Thời tiết những ngày qua diễn biến bất thường, đêm và sáng có mưa rào vừa đến mưa to kèm theo mưa đá, ẩm độ cao… Đây là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại, trong đó trên lúa trà muộn xuất hiện mọt nước gây hại đến ngưỡng thống kê diện tích, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Tỷ lệ hại trung bình 5 - 10% dảnh, cao 20% dảnh, cục bộ 40% dảnh. Diện tích nhiễm mọt nước 15 ha, trong đó (nhiễm nhẹ 10 ha, trung bình 4 ha, nặng 1 ha). Phân bố tập trung tại thôn Trang A xã Điện Quan và rải rác tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Diện tích lúa đang bị mọt nước phá hại tại thôn Trang A xã Điện Quan
Ngay sau khi phát hiện mọt nước hại lúa, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên đã phối hợp với UBND xã, Khuyến nông viên, trưởng thôn Trang A xã Điện Quan đi kiểm tra và đã khuyến cáo nhân dân các biện pháp phòng trừ. Ngoài ra Trung tâm đã ra công văn số 56/CV-TTDVNN ngày 06/4/2020 về việc khẩn trương phòng trừ mọt nước hại lúa xuân năm 2020 và chỉ đạo UBND các xã, Thị trấn khẩn trương rà soát diện tích bị mọt nước hại lúa, phun phòng trừ kịp thời, hạn chế lây lan trên diện rộng.
Mọt nước thuộc họ vòi voi, bộ cánh cứng, là đối tượng dịch hại mới, trưởng thành ăn mô lá, để lại vết xước dọc theo phiến lá, cắn đọt non, gây hiện tượng nõn cây bị héo, gãy gục; với sâu non sẽ gây hại dưới rễ lúa làm cho cây lúa còi cọc sinh trưởng chậm. Chúng thích nghi trong môi trường nước. Bình thường ăn thực vật thủy sinh, mùa đông trú ẩn ở bờ ruộng. Gây hại nặng là giai đoạn ấu trùng. Ấu trùng của mọt nước ở trong đất, tấn công rễ lúa.
Mọt nước tập trung phá hại ăn mô lá, để lại vết xước dọc theo phiến lá lúa
Lúc đầu khi phát hiện ra đối tượng mọt nước hại lúa, bà con nhân nhân thôn Tran A xã Điện Quan cũng hoang mang lo lắng vì đây là đối tượng dịch hại mới. Tuy nhiên được sự khuyến cáo chỉ đạo sát sao của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện bà con đã yên tâm vệ sinh bờ ruộng, phun các loại thuốc theo hướng dẫn để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt.
Bước đầu cho thấy trong công tác chỉ đạo phòng trừ mọt nước hại lúa đạt hiệu quả cao, được sự ủng hộ của người dân, cán bộ khuyến nông cơ sở đứng lên là đầu mối kết nối với Trung tâm là địa chỉ cung ứng thuốc đặc hiệu, đảm bảo chất lượng với giá cả hợp lý để người dân mua và tổ chức phun đồng loạt trên từng cánh đồng.
Tính đến thời điểm này bà con nông dân đã chủ động phun phòng trừ đồng loạt đạt 100% diện tích. Với sự tích cực phòng trừ trên địa bàn các xã, thị trấn không có thêm diện tích bị nhiễm mọt nước hại lúa, diện tích nhiễm ở bản Trang A xã Điện Quan đang được phục hồi và phát triển tốt.
Nhưng với tình hình thời tiết hiện nay diễn biến phức tạp, nắng nóng đan xen mưa lớn kéo dài là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại. Dự kiến trong thời gian tới mọt nước tiếp tục gây hại trên lúa trà muộn nếu không được phòng trừ kịp thời. Để chủ động phòng trừ mọt nước gây hại, hạn chế tích lũy mật độ và lây lan trên diện rộng, bà con cần chú ý thường xuyên thăm đồng ruộng, phát hiện mọt nước sớm phun phòng trừ kịp thời, hạn chế bùng phát, lây lan trên diện rộng làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng. Trung tâm Dịch vụ nông huyện Bảo Yên khuyến cáo bà con nhân dân áp dụng một số kỹ thuật như sau:
+ Dọn sạch cỏ bờ ruộng vì đây là nơi duy trì, tích lũy nguồn mọt nước.
+ Tháo nước khô ruộng trước khi vào vụ mới hoặc khi xuất hiện mọt gây hại.
+ Khi mật độ mọt nước cao cần sử dụng một trong các loại thuốc hóa học thuộc nhóm diamide (Thiamethoxam) lambda-cyhalothrin với các thuốc như: Regent 800WG; Actara 25 WG; Virtako 40WG; Karate 2.5EC...
+ Trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời trên 150C thì có thể kết hợp các loại phân bón lá để bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa nhằm tăng “sức khỏe” cho cây sau khi mọt nước gây hại, đồng thời dặm tỉa, bón phân cân đối để thúc lúa đẻ nhánh.
* Lưu ý: Liều lượng pha thuốc xem trên nhãn mác bao bì. Tuân theo nguyên tắc 4 đúng: (Đúng thuốc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng lúc; đúng cách). Sau khi phun thuốc gặp trời mưa cần phun lại.
Thời gian tới Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên sẽ tăng cường các công tác điều tra phát hiện, chủ động cảnh báo sớm các đối tượng sâu bệnh gây hại trên lúa xuân, theo dõi chặt chẽ diễn biễn, khoanh vùng các diện tích bị hại, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thường xuyên thăm đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh hại sớm, phun phòng trừ kịp thời, hạn chế tới mức thấp nhất do sâu bệnh gây ra.