Những ngày qua, nông dân huyện Tuy An, đặc biệt là tại các xã thuộc cuối hệ thống kênh mương tưới tiêu như: An Ninh Đông, An Ninh Tây, An Cư và An Định trong tinh thần khẩn trương xuống đồng thu hoạch lúa bị ngã đổ sau 02 ngày liên tiếp mưa to.
Vì nằm cuối hệ thống kênh tưới tiêu, lượng nước gieo sạ lại không đảm bảo nên phần lớn diện tích sản xuất cây lúa vụ Đông Xuân tại các xã này phải gieo sạ muộn hơn ở những vùng khác. Do thế, lúa phải thu hoạch muộn hơn so với các trà lúa khác nằm ở khu vực đầu hệ thống kênh mương tưới. Cũng vì vậy mà cho đến thời điểm này thu hoạch mới chỉ đạt từ khoảng 50%. Mưa lớn kèm theo gió trong 02 ngày liên tiếp đã làm cho hơn 120 ha diện tích lúa bị đổ ngã, ngập nước kéo theo việc thu hoạch hết sức khó khăn mà chi phí lại cao do không thể sử dụng máy gặt đập liên hợp được.
Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nhiều hộ dân đã tập trung thu hoạch lúa nhằm tránh lúa bị rơi vãi hoặc bị nảy mầm trong nước. Tuy nhiên, do không thể thu hoạch bằng cơ giới hóa vị bị lầy và ngập úng nên phải thuê lao động thu hoạch bằng hình thức thủ công, tiến độ thu hoạch khá chậm, thất thoát cao khiến năng suất lúa bị giảm.
Nông dân thu hoạch thủ công lúa ngập nước, ngã tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An
Chị Lê Thị Bốn ở thôn Hội Phú, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An cho hay gia đình có 4 sào ruộng còn khoảng 05 ngày nữa là thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Bây giờ lúa bị ngã nên gia đình chị phải tốn công cắt bằng tay rồi gánh lên bờ để máy phun lúa. Lúa ướt làm cho máy phun không phun sạch lúa lép nên lại phải tốn công giê lúa cho sạch. Chị Bốn thở dài: "Phải cắt nhanh để tránh tình trạng nảy mầm còn có hạt lúa mà ăn chứ".
Phòng Nông nghiệp huyện Tuy An đã tăng cường hướng dẫn bà con chăm sóc các diện tích lúa bị ngã đổ giúp cây lúa phát triển mạnh, bảo đảm đủ chất dinh dưỡng cho hạt lúa gần thời kỳ thu hoạch. Đối với những diện tích đã vào chắc, sau khi tháo nước phải dựng lúa dậy bằng cách cụm từ 3-5 bụi lại với nhau để lúa phục hồi và giảm thiểu thiệt hại về năng suất.