Ông Việt cho biết, năm 2017, gia đình ông đăng ký thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp nhà màng trong sản xuất dưa lưới tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai. Lúc đó, gia đình ông đầu tư 500 m2 trồng dưa lưới trong 4 vụ. Sau gần 2 tháng trồng, vụ dưa đầu tiên cho thu hoạch hơn 1,5 tấn, thu gần 52 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 35 triệu đồng. Thấy hiệu quả, gia đình ông Việt tiếp tục xuống giống vụ dưa thứ hai và phát triển cho đến nay.
Gia đình ông Việt trồng giống dưa lưới mới Taki Yama của Nhật Bản với những đặc điểm ưu việt như năng suất cao, vị dưa ngọt mát, mẫu mã đẹp và có sức kháng bệnh rất tốt.
Ông Việt chia sẻ: Trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tuy ít tốn nhân công nhưng phải làm cẩn thận các khâu như ươm hạt, làm đất, kiểm tra chất lượng nước tưới, phân bón cho đến việc thụ phấn, chọn và tuyển trái. Trước khi trồng cần bón vôi trên nền đất để khử trùng, diệt mầm bệnh, phơi nắng, bón phân hữu cơ đã ủ hoai mục khoảng 2-3 tuần mới xuống giống, Mật độ trồng 1.300 cây/500 m2, cây cách cây 40 x 40 (cm). Khoảng 12 ngày sau khi trồng cần chú ý các bệnh như: nấm, thối rễ, héo lá, nhũn thân và đặt biệt là nhện đỏ. Sau khi gieo hạt được khoảng 25-28 ngày, cây dưa đã ra hoa, cần tiến hành thụ phấn cho dưa khoảng 5 ngày. Tỷ lệ đậu trái trên 95% đối với thụ phấn nhân tạo và đậu trái 85% đối với thụ phấn bằng ong mật. Sau khi đậu trái sẽ chọn mỗi cây 1 trái đạt yêu cầu để lại, còn lại cắt bỏ để đảm bảo trọng lượng trái từ trên 1,2 đến 1,8 kg/trái. Kết hợp cắt chồi, tỉa lá gốc ở độ cao khoảng 60-70 cm so với mặt đất tạo sự thông thoáng cho gốc dưa. Mỗi ngày tưới nước 7 lần bằng hệ thống tưới tự động nhỏ giọt với liều lượng 1,5 lít/cây. Dù chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nhưng trồng cây trong nhà màng lại hạn chế tối đa các loại sâu, bệnh gây hại trên dưa lưới nên việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật gần như rất ít, đảm bảo sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng, an toàn vệ sinh thực phẩm với người tiêu dùng, thân thiện với môi trường.
Cây dưa con 7 ngày sau khi gieo tại nhà màng ông Việt
Ông Việt tính toán, trung bình vốn để đầu tư cho 500 m2 đất sẽ tốn khoảng 200 triệu đồng, bào gồm cả chi phí lắp đặt nhà màng và hệ thống tưới nước, bón phân tự động theo công nghệ Israel. Còn sau đó, chi phí mỗi vụ sẽ khoảng 22 triệu đồng, trong đó tiền giống là 3 triệu đồng (1200 hạt x 2.500 đồng/hạt), tiền phân bón khoảng 6,9 triệu đồng, tiền khấu hao nhà màng, hệ thông tưới… Năng suất mỗi vụ đạt 1500 kg/500m2, giá bán 33.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 27 triệu đồng. Mỗi năm sẽ canh tác được 3 vụ dưa lưới và luân canh 1 vụ dưa leo (tận dụng giá thể trồng dưa lưới còn lại để trồng dưa leo). Hiện nay, thị trường tiêu thụ dưa lưới trong và ngoài nước rất lớn. Khi dưa chưa chín, doanh nghiệp đã đến tận vườn để đặt cọc thu mua.
Thu hoạch dưa thời điểm 62 ngày sau khi trồng trong nhà màng
Trước sự thành công của mô hình “Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp nhà màng trong sản xuất dưa lưới tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Gò Công đang xây dựng đề án nhân rộng mô hình này với các loại cây trồng khác họ luân canh nhằm mục đích cắt giảm các đối tượng sâu bệnh trong họ bầu bí dưa.
Ông Trần Minh Hoàng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Gò Công cho biết: Hiện nay, một số nông dân có nhu cầu học hỏi mô hình để nhân rộng, Trung tâm đã tổ chức các hộ đến làm việc trực tiếp trong nhà màng của ông Việt để thực hiện thao tác, kỹ thuật canh tác và học hỏi kinh nghiệm giúp những hộ có tâm huyết nhân rộng mô hình cho. Tuy nhiên, để có thể nhân rộng mô hình này tốt hơn nữa đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ nông dân phát triển mô hình, thành lập tổ hợp tác, gắn sản xuất với tiêu thụ giúp hình thành chuỗi giá trị sản phẩm bền vững.