Theo chân lão nông Nguyễn Thái ngụ xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long tham quan trang trại dê rất rộng, lại sạch sẽ, khang trang với hàng trăm con đang phát triển to, khỏe, chúng tôi khá ngưỡng mộ về cách nghĩ, cách làm tuy đơn giản nhưng tỏ ra hiệu quả khi hạn mặn đang diễn ra ngày càng khốc liệt.
Ông Thái phấn khởi nói: “Năm 2019, tôi dự đoán đây là năm hạn, mặn kỷ lục, ảnh hưởng rất lớn đến thủy sản, gia súc, gia cầm nên đã quyết định thu hẹp diện tích mặt nước nuôi ếch Thái Lan, rắn Ri Voi, heo, bò để tập trung phát triển đàn dê, bởi loại gia súc này có sức chịu đựng nắng nóng rất tốt. Nhiều người ban đầu dèm pha, dè bỉu nay đã tâm phục, khẩu phục”.
Lúc đầu ông nuôi 30 con dê nái và khoảng 100 dê thịt. Đến tháng 10 năm 2019, đàn dê thịt đã tăng lên 150 con, dê nái là 50 con. Với dê nái cứ 2 năm chúng đẻ 3 lần. Bình quân cứ 3 tháng ông xuất chuồng khoảng 30 con dê thịt với giá bán từ 120.000 đến 130.000 đồng/kg đối với dê đực, 90.000 - 100.000 đồng/kg đối với dê cái. Mỗi con khi xuất bán có trọng lượng từ 40 đến 50 kg. Sau khi trừ hết mọi chi phí, ông Thái còn lãi từ 250 đến 300 triệu đồng mỗi năm. Thị trường tiêu thụ mạnh nhất là thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang.
Ông Nguyễn Thái chăm sóc đàn dê của gia đình
Dê là loài có sức đề kháng rất mạnh với các loại dịch bệnh; dễ tính, dễ ăn các loại rau củ, cây cỏ… nên chi phí đầu tư không nhiều. Một lợi thế khác cho người nuôi dê là chuồng trại không phải xây dựng kiên cố nên người nuôi dễ áp dụng với khả năng kinh tế eo hẹp của mình.
Để chuẩn bị nguồn thức ăn cho trang trại dê của mình đối phó với hạn mặn xâm nhập, ông Thái quyết định không xuống giống lúa Đông Xuân như mọi năm, thay vào đó ông đã trồng cỏ sữa trên 4.000 mét vuông để cung cấp thực phẩm chủ lực cho đàn dê của mình. Cỏ sữa là loại phát triển tốt cả trong môi trường nước ngọt, lợ lẫn mặn nên nguồn thức ăn dồi dào này luôn trong tư thế “né” mặn phục vụ trang trại nuôi dê của lão nông Nguyễn Thái.
Cùng dự đoán và có cách với ông Thái, anh Võ Văn Nhựt ngụ xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đã phát triển đàn dê thương phẩm của mình trong điều kiện hạn mặn.
Anh Nhựt cho biết: “Hạn mặn sẽ làm giảm chất dinh dưỡng nông sản, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của gia súc, gia cầm. Tôi chọn mô hình nuôi dê thịt và dê sinh sản bởi rất ít loại gia súc nào lại có sức đề kháng tốt hơn chúng. Cạnh đó dê thịt đang rất “hút hàng” trên thị trường dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu”.
Theo anh Nhựt: Dê không cần uống nước nhiều mỗi ngày, chuồng trại dễ làm mát, bản thân chúng cũng chịu được mặn rất cao. Khi cần uống nước, nếu nước giếng có bị nhiễm mặn chút đỉnh dê vẫn uống được một cách bình thường. Một lợi thế trong mùa hạn mặn là chúng không cần nước tắm như một số vật nuôi khác. Ngoài ra nhu cầu bài tiết của dê không nhiều nên chuồng trại thường khô ráo, không phải dùng nước vệ sinh nhiều.
Theo các chuyên gia về chăn nuôi, khả năng chịu mặn của gà, vịt từ 1- 2‰; heo, trâu, bò dưới 4‰, dê dưới 7‰... Tuy nhiên, đối với dê đang mang thai và cho sữa thì khả năng chịu mặn kém hơn dê thịt. Riêng đàn dê trên 70 con thịt và 20 con dê nái của anh Nhựt đã rất an toàn trong mùa nắng hạn kèm xâm nhập mặn năm nay, mang về cho anh xấp xỉ 150 triệu đồng.
Nhiều nông dân nuôi dê đang có xu hướng hình thành mô hình trang trại cho biết: Nuôi dê với số lượng lớn thì phải xây dựng chuồng trại đúng quy cách, tránh ô nhiễm môi trường. Với con dê phải chú ý đến việc phòng bệnh theo từng giai đoạn sinh trưởng, đồng thời phải theo dõi thường xuyên, phát hiện kịp thời khi dê bỏ ăn. Thức ăn chủ yếu hiện nay của dê là bã bia trộn với thức ăn công nghiệp. Song song đó phải tăng cường thêm cỏ, bổ sung chất xơ để dê khỏe mạnh, mau lớn.
Có thể thấy rằng, trong thời điểm nắng nóng kéo dài, nước mặn xâm nhập khắp nơi ảnh hưởng đến việc trồng trọt, chăn nuôi cho nhiều nông dân thì những nông dân đã, đang và sẽ bám sát với mô hình nuôi dê vẫn rất an toàn, mang về nguồn lãi cao và khá ổn định.