Nói đến xã Sơn Bình chắc ai ai cũng đều biết đến lòng hồ Sông Ray và mong muốn được một lần đặt chân đến nơi này. Một biển nước mênh mông với cảnh vật cũng thật nên thơ. Nói về mặt kinh tế, nó không chỉ cung cấp một nguồn nước dồi dào cho người dân trong sản xuất mà còn có giá trị về nguồn lợi thuỷ sản, giải quyết được một số lượng lớn lao động nhàn rỗi tại địa phương bằng nghề chài lưới. không những vậy, trong tương lai, lòng hồ Sông Ray có thể trở nên một thắng cảnh đẹp, thu hút những ai yêu thiên thiên, cỏ cây, sông nước. Tuy nhiên, để đến được nơi này cũng như được gặp gỡ bà con ở đây thì không dễ dàng chút nào vì còn trở ngại về mặt giao thông, đường rất khó đi gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của bà con. Do đó, vấn đề được đặt lên hàng đầu là xây dựng được con đường mới nhằm cải thiện cuộc sống của bà con tại xã Sơn Bình cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của xã hội. Xã Sơn Bình đã và đang phối hợp với các ngành chức năng làm nên những con đường như thế.
Giao thông nông thôn đang được chú trọng để đạt được những tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Con đường mà tôi muốn nói đến chính là con đường vào đội 11 nối từ tổ 2 đến tổ 6 ấp Tân Bình xã Sơn Bình trên tuyến Ngãi Giao – Hòa Bình. Nó được người dân sinh sống tại đây mở để đi từ năm 1977. Ban đầu chỉ có một vài hộ sống tách biệt nhưng những năm về sau, anh em, họ hàng, người quen tụ tập về đây sinh sống. Hiện tại có khoảng 110 hộ dân, kinh tế chủ yếu là làm nông với muôn vàn cơ cực, người nông dân chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn không đáp ứng đủ cho việc ăn ở, học hành của con cái, vậy mà họ vẫn cố để mong đến đời con cháu mình sẽ thay đổi, không phải chịu cảnh cuốc cày như xưa.
Về phía chính quyền địa phương đã có nhiều kiến nghị tại các kỳ họp HĐND, và bằng văn bản đến các cơ quan có thẩm cho đến nay được sự quan tâm của UBND huyện, sự cố gắng của lãnh đạo UBND xã Sơn Bình nên đã được phê duyệt đầu tư cho ấp Tân Bình con đường nhựa hóa với tổng chiều dài 0,6km.
Kể từ khi xây dựng lòng hồ Sông Ray cùng kênh mương thuỷ lợi, bà con nông dân ở đây mới có phần an nhàn hơn do được đền bù đất, cũng có hộ dời đi nơi khác ở, hộ thì vẫn tiếp tục ở lại đây và kinh tế gia đình đã có sự thay đổi đáng kể. Người dân bớt đi được nỗi lo tiền bạc trước mắt. Nhưng nỗi lo ngay ngáy ngày đêm của các hộ dân ở đây vẫn là vấn đề đi lại. Thật khó có thể hình dung được vào mùa mưa, bạn sẽ đi như thế nào và dùng phương tiện gì để có thể đến được với các hộ dân. Là người địa phương, sinh ra và lớn lên ở đây, tôi đã quá rõ để có thể nói về con đường này. Một đoạn đường có vẻ không xa nhưng cũng đủ làm cho chúng ta mệt mỏi. Thật ra, đây là một đoạn đường ngắn để người dân nhanh chóng di chuyển ra các con đường liên xã như tuyến Mỹ Xuân – Xuân Sơn– Hoà Bình.
Muốn đến đội 11, ấp Tân Bình, bạn phải vượt qua một con suối sau khi trải qua một con dốc khúc khuỷu, tiếp đến phải lên một con dốc nữa mới đến được nơi này. Trước đây, người dân phải tự làm một cây cầu tạm bắc ngang qua con suối nhỏ để tiện cho việc đi lại. Đặc biệt, các em học sinh không có điều kiện được ba mẹ chở đi học phải tự đi bộ qua con đường tắt này thay vì phải đi bộ một quãng đường khá xa. Nhiều lúc vào mùa mưa, nước lớn, các em còn bơi qua con suối. Mặc dù chỉ là một con suối nhỏ nhưng rất nguy hiểm cho những ai sơ ý bị nước cuốn trôi. Chưa kể đến là còn 2 đoạn đường dốc cũng không kém phần nguy hiểm vì độ trơn trượt của nó. Các phương tiện như xe máy, ô tô khó lòng qua được.
Rất nhiều người dân, đặc biệt là các bác lớn tuổi mỗi lần chứng kiến cảnh khốn khổ khi di chuyển qua con đường này đều ray rứt mãi về những cơ cực không đáng có của các hộ dân ở đây: Hạt lúa, hạt bắp làm ra đã khó, lại rẻ mà vận chuyển đến nơi bán còn quá vất vả, mùa mưa, con em họ tới được trường học thì quần áo ướt sũng, lấm lem bùn đất. nhiều người đi làm ăn xa, muốn về thăm gia đình cũng ngại về vì đường đi quá khủng khiếp. Ai ai cũng than phiền và mong mỏi có được một con đường nhựa sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con.
Bác Lê Thị Mót, 75 tuổi, sống gần con đường chia sẽ niềm mong ước với chúng tôi rằng: “tôi đã ngoài 70, cái tuổi cũng đã gần đất xa trời, sức khoẻ yếu, đi lại không được khoẻ như trước, chỉ mong một điều cho tất cả bà con ở đây có được một con đường để đi lại được thuận lợi, còn bản thân thì có thể bước tiếp những bước đi thoải mái trong quãng đời ngắn ngủi còn lại là tui vui lắm rồi”.
Dưới cái nắng oi bức của tháng 12, bác Lê Quang Biển, giọng nói đậm chất miền trung niềm nở kể chuyện, tay không ngừng lau từng giọt mồ hôi trên trán bày tỏ: “ cứ nghĩ thời bình mà như thời chiến, thấm thía nhất vẫn là cái cảnh các chị, các mẹ sắp sinh phải chuyển đi trạm xá. Nhiều khi có chị sinh vào giữa khuya, mưa gió, loay hoay mãi gia đình mới di chuyển được ra khỏi đoạn đường này. Vừa lo sợ, vừa mệt mỏi, ai ai cũng lấm lem. Bà ngoại thì khóc lóc vì lo cho đứa trẻ sắp chào đời, con người quá vãng di chuyển quan tài thì thật là vô phương nhưng niềm vui lại đến khi các chi được “mẹ tròn con vuông”…
Quá hiểu về nỗi vất vả nên khi nghe tin xây dựng con đường vào đội 11, ai ai cũng phấn khởi. Mặc dù nhiều hộ đã mất đất do làm công trình thuỷ lợi nhưng vẫn hăng hái tình nguyện hiến đất riêng của gia đình mình để làm đường. Đồng thời, mọi người cùng ra sức phá bỏ bờ chuối, bụi tre, hàng rào để mở rộng thêm con đường, đảm bảo đủ điều kiện di lại cho bà con cũng như các phương tiện lưu thông khác.
Hiện tại con đường đang được thi công để trải nhựa, những chiếc xe ủi, xe ben, xe múc ngày đêm hì hục đào lấp những con mương, san ủi tạo mặt bằng để sau này có được con đưòng trải nhựa an toàn, bớt dốc và khúc khuỷu như trước nữa. Kênh mương, cầu khỉ nguy hiểm đã được thay bằng một cái cống lớn vững chắc. Mặc dù đoạn đường chưa làm xong nhưng ít ra người dân không phải do dự nên đi theo đường tắt hay đường vòng mỗi khi có việc quan trọng phải đi qua đoạn đường này.
Con đường chưa làm xong nhưng chúng tôi thấy được sự hài lòng rõ rệt từ phía người dân thể hiện qua nét mặt đã hiện rõ vui sướng. Việc đi lại thuận lợi hơn, người dân bắt đầu sắm xe máy đi làm đồng, làm công nhân tại các nhà máy xí nghiệp lân cận, sắm phương tiện vận chuyển hàng hoá....Trẻ em thong thả đến trường bằng xe đạp, không phải dậy sơm cuốc bộ, niềm vui hớn hở thể hiện rõ trên khuôn mặt các em. Đi đến đâu chúng tôi cũng nghe bà con nơi đây bàn tán về con đường đang làm. Con đường chính là niềm mơ ước lớn lao đối với biết bao nhiêu người ở đây. Rồi trong tương lai, sẽ có nhiều nhà mới mọc lên, khang trang hai bên đường.
Những ngày này, chứng kiến cảnh bà con có thể bon bon trên chiếc xe của mình qua đoạn đường, tôi thấy vui thay. Dưới cái nắng gay gắt, đồng khô cỏ cháy, người dân vẫn không than vãn như trước đây. Nắng đấy, bụi đấy nhưng cũng chính trong cái không khí oi bức này là cả một nỗi niềm của hơn một 110 hộ dân nơi đây. Họ vẫn vui, vẫn hạnh phúc khi phải hứng chịu cảnh “nắng, gió, bụi, đường”. Và trong tâm trí mỗi người, hình ảnh một con đường khang trang, sạch đẹp luôn hiện ra trước mắt, một khung trời tươi sáng đầy hứa hẹn cho toàn thể bà con.