Thời gian qua, Đài Loan có lượng vốn khác lớn đầu tư vào Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây cũng là thị trường tiềm năng trong kế hoạch xúc tiến đầu tư của tỉnh trong năm 2014.
|
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Meisheng Textiles Việt Nam, 100% vốn Đài Loan, chuyên sản xuất bông sợi tại cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Ngãi Giao (huyện Châu Đức). |
Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) của Đài Loan đã đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư vào Bà Rịa – Vũng Tàu. Mới đây, trong tháng 10 -2013, tại khu công nghiệp (KCN) Mỹ Xuân A2, Công ty CP China Steel Sumikin Việt Nam đã khánh thành Nhà máy cán nguội thép tấm, công suất 1,2 triệu tấn/năm. Sản phẩm chính của nhà máy gồm: thép cán nguội, tôn mạ, thép tấm điện, thép tẩy gỉ, thép phủ dầu cung cấp cho các ngành công nghiệp chế tạo: ống thép, máy móc, xây dựng, phụ tùng ô tô xe máy, đồ gia dụng... Ông Tsou, Chủ tịch Tập đoàn CSC Đài Loan cho biết, đây là dự án được đầu tư lớn nhất của Tập đoàn thép CSC với 51% trong tổng vốn đầu tư. Nhà máy đi vào hoạt động bảo đảm 100% công suất sẽ nâng tổng công suất các nhà máy cán nguội thép tấm tại Việt Nam đạt khoảng 4 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu, góp phần giảm thiểu nhập siêu cho ngành thép.
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hiện Đài Loan xếp thứ ba về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (sau Nhật Bản và Singapore). Tính từ năm 1988 đến tháng 9-2013, Đài Loan đã đầu tư 2.262 dự án tại Việt Nam với tổng vốn 27,5 tỉ USD. Riêng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, các DN Đài Loan thấy được những cơ hội lớn từ các chính sách ưu đãi về đầu tư như chi phí đất đai thấp, ưu đãi về thuế quan, chi phí lao động thấp, tiềm năng thị trường lớn nên đã có chiến lược đầu tư mạnh trong thời gian qua. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu của Đài Loan là gia công chế biến và sản xuất chế tạo. Trong đó có các ngành dệt may, công nghiệp da giày, mộc gia dụng chiếm tỷ trọng cao. Đón đầu cơ hội Việt Nam đang có những chính sách tích cực nhằm hội nhập kinh tế toàn cầu. (Hiện Việt Nam đang là thành viên của khối ASEAN, đồng thời ASEAN và một số đối tác châu Á thống nhất hình thành khối ASEAN + 1, ASEAN + 2, ASEAN + 3. Việt Nam cũng đã ký hiệp định thương mại tự do với một số nước và đang đàm phán Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương), các tập đoàn thép của Đài Loan đã có các dự án sản xuất thép nhắm tới cung ứng thép cho thị trường Việt Nam, các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Hàng loạt sản phẩm thép ra đời sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu cho sản phẩm ngành công nghiệp phụ trợ. Các DN dệt may Đài Loan thì nhắm đến đầu tư thượng nguồn và trung nguồn. Ông Nguyễn Anh Triết, Quyền Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết, Đài Loan hiện xếp thứ ba về đầu tư nước ngoài vào các KCN tỉnh. Hiện có 16 dự án của Đài Loan với tổng vốn 1,5 tỷ USD đang có hiệu lực. “Có thể nói, Đài Loan là một thị trường đầy tiềm năng mà tỉnh có các chính sách thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đặc biệt là phối hợp với công ty TNHH phát triển quốc tế Formosa để kêu gọi các DN sản xuất sau thép của Đài Loan” - ông Nguyễn Anh Triết nói.
Hiện nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung khai thác thế mạnh về cảng biển, logistics và công nghiệp phụ trợ. Theo ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, giai đoạn tới, tỉnh đặc biệt quan tâm đến phát triển công nghiệp phụ trợ và tạo ra nguồn hàng xuất khẩu tại chỗ, tạo lợi thế cho cảng biển phát triển. Hàng loạt sản phẩm thép ra đời sẽ tạo ra các sản phẩm cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Chính vì vậy, ngoài các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu đang đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư tại Đài Loan nhằm “kéo” một số DN Đài Loan đầu tư vào sản xuất hàng phụ tùng ô tô, xe máy…