Mô hình trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu giống Anaxo F1 Hà Lan được thực hiện theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của chính quyền xã Cát Nê (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), do Trạm Khuyến nông huyện Đại Từ phối hợp với UBND xã Cát Nê (huyện Đại Từ) thực hiện.
Bà con tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giá giống, Công ty Cổ phần Đồng Xanh ký hợp đồng cung cấp giống dưa chuột Anaxo cho nhân dân, đồng thời hỗ trợ 50% giá giống (142.500 đồng/sào, 1 sào 360 m2), huyện hỗ trợ 100.000 đồng/sào, xã hỗ trợ 42.500 đồng/sào; ngoài ra Công ty cung cấp toàn bộ phân bón, thuốc trừ sâu theo hình thức trả sau đồng thời mua toàn bộ sản phẩm dưa bao tử để chế biến xuất khẩu.
Mô hình được thực hiện từ vụ đông năm 2013 với quy mô gần 5 ha, hiệu quả bước đầu đạt được khá cao năng suất trên 01 tấn/sào (28 tấn/ha), sau khi trừ các khoản chi phí người dân thu lãi 4 – 5 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều lần so với cây màu khác.Vụ xuân năm 2014, huyện đã mở rộng diện tích mô hình lên 24,5 ha, thu hút 384 hộ dân tại 13 xóm của xã Cát Nê tham ra; năng suất dự ước đạt trên 23 tấn/ha, người dân thu lãi 3 – 3,5 triệu đồng/sào, cao hơn 3 – 4 lần so với cấy lúa.
Những ngày này bà con nông dân xã Cát Nê đang thu hoạch dưa bao tử vụ xuân, toàn bộ sản phẩm được Công ty cổ phần Đồng Xanh thu mua tại chỗ, nhờ đầu ra ổn định, giá trị kinh tế khá cao nên bà con rất phấn khởi.
Công ty CP Đồng Xanh thu mua dưa bao tử loại 1 với giá 11.000 đồng/kg và 6.000 đồng/kg loại 2. Mỗi ngày công ty thu mua 10 – 15 tấn dưa chuột bao tử.
Nông dân xã Cát Nê thu hoạch dưa chuột bao tử.
Ông Ngô Xuân Hán xóm Chung Nhang, xã Cát Nê cho biết, gia đình ông trồng 2 sào dưa Anaxo, vụ đông năm ngoái ông thu trên 2 tấn, thu lãi trên 12 triệu đồng; nhưng vụ xuân năm nay điều kiện thời tiết không thuận lợi - mưa nhiều nên năng suất dưa giảm, tỷ lệ dưa loại 1 cũng ít hơn, dự tính gia đình ông thu lãi 9 triệu đến 10 triệu đồng. Chị Trần Thị Quý, xóm Lò Mật, xã Cát Nê chia sẻ, để cây dưa chuột bao tử đạt năng suất cao cần phải tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật, nên chọn những chân ruộng có điều kiện chủ động về tưới tiêu, tránh để ngập úng gốc sẽ gây thối rễ, chết cây. Giai đoạn cây con cần phải tưới nước hàng ngày đảm bảo độ ẩm cho cây con phát triển. Giai đoạn cây ra tay bám, tiến hành cắm gièo hình chữ A cao 2 – 2,5 m, giai đoạn này cây rất cần nước nên giữ nước ở mức 1/4 rãnh là tốt nhất. Cây dưa chuột chủ yếu mắc bệnh lở cổ rễ, sương mai… phải chủ động phun thuốc phòng theo quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. | | Theo đánh giá của bà con xã Cát Nê, giống dưa chuột Anaxo F1 Hà Lan rất phù hợp với đồng đất địa phương, dễ chăm sóc, cho năng xuất và hiệu quả kinh tế cao; sau cây lúa thì dưa chuột Anaxo sẽ là cây trồng chủ lực của người dân địa phương. Người dân sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hình thức luân canh với cây lúa: Dưa chuột vụ xuân + Lúa mùa + Dưa vụ đông; Lúa xuân + Lúa mùa + Dưa vụ đông… |
Để có được kết quả như trên trong thời gian qua Trạm Khuyến nông huyện Đại Từ đã phân công cán bộ phối hợp với cán bộ nông nghiệp, cán bộ khuyến nông xã, cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Đồng Xanh lựa chọn vùng đất thích hợp trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu, tổ chức họp dân chọn các hộ đủ điều kiện đăng ký tham gia mô hình, sau đó tập huấn, trợ giá giống, theo dõi, hướng dẫn người dân chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh…
Thành công của mô hình là cơ sở thực tiễn để địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất trên nền đất lúa theo hướng đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, giúp nông dân khai thác có hiệu quả tiềm năng về đất đai, lao động hiện có.
Ông Hoàng Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã Cát Nê cho biết, địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển mô hình trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu như, ít bị bão, cây dưa chuột phù hợp với đồng đất pha cát tại địa phương nên phát triển tốt. Bên cạnh đó, đồng ruộng chủ yếu là chân ruộng - chủ động được tưới tiêu (không bị ngập, úng khi mưa; đã hoàn thiện hệ thống kênh mương dẫn nước từ hồ Vai Miếu và các hồ nhỏ tại địa phương) nên nguồn nước tưới đảm bảo; ngoài ra, vật liệu tre, nứa cắm gièo có sẵn tại địa phương… UBND xã Cát Nê tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Đồng Xanh nhân rộng mô hình tạo vùng nguyên liệu sản xuất dưa chuột bao tử xuất khẩu. Vụ hè thu năm 2014, xã sẽ tiếp tục triển khai 20 ha dưa chuột Anaxo; vụ đông năm 2014 sẽ mở rộng mô hình sang các xã Ký Phú, Vạn Thọ với tổng quy mô là 60 ha; sang năm 2015 mở rộng diện tích trên 100 ha và xây dựng nhà máy chế biến dưa chuột bao tử xuất khẩu tại địa phương./.