Nhắc đến ông Nguyễn Văn Cảnh, hội viên HLV thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn (TP. Hưng Yên – Hưng Yên) không ai không biết đến tài “bắt” nhãn kết trái theo ý muốn. Nhờ nắm vững kỹ thuật, nhanh nhạy trong tìm hiểu xu thế thị trường, ông Cảnh liên tục thu lãi lớn nhờ trồng nhãn, ngay cả khi các vườn xung quanh mất mùa.
Trái với hình dung của nhiều người về những cây nhãn cổ thụ cao hơn nóc nhà, thân nhãn to 1-2 vòng tay, tán xòa cả góc vườn, vườn nhãn hiện đại của ông Cảnh trông chẳng khác nào... bonsai, cây cảnh cổ. Mỗi gốc nhãn có chừng 5 - 6 thân đâm lên từ đất (không phải cành chĩa ra từ 1 gốc lớn). Thực ra phải gọi là cụm nhãn mới đúng, vì một cụm có 3 - 4 gốc mọc cách nhau 30 - 40 cm, trông như những thân phụ của gốc đa to, chỉ ở phần tán, cành, nhánh của các gốc mới quện lại làm một.
Thấy tôi ngạc nhiên, ông Cảnh vừa kéo chùm nhãn màu nâu vàng tươi rói, vừa giải thích: “Theo sự hướng dẫn của Sở Khoa học công nghệ, Trung tâm khuyến nông của tỉnh, bây giờ đa phần các gia đình đã thay thế nhãn trồng hạt bằng trồng cành, mắt ghép. Chúng tôi thường trồng 5 - 7 cành, sau đó mới bấm, tỉa chọn những cây tốt để tạo tán cho mỗi cụm như thế này”.
Với 10 năm trong nghề, hiện ông Cảnh có hơn 1ha nhãn gồm các loại đặc sản như Hương Chi, nhãn Đường phèn, nhãn Tiêu phèn... Trồng nhãn chuyên canh trên diện tích lớn, vài năm trước ông Cảnh đã thấm bi kịch nhãn được mùa thì rớt giá, nhãn được giá thì mất mùa. Vài năm trở lại đây, ông nổi danh là một trong những bậc thầy làm nhãn sớm, nhãn muộn. “Chúng tôi thường rải vụ, chia thành các trà nhãn sớm, nhãn chính vụ và nhãn muộn. Trước đây, thường nhãn chín ồ ạt vào khoảng 20/6, kéo dài đến hết tháng 7 âm lịch, thời gian chỉ hơn một tháng. Bây giờ chúng tôi kéo dài vụ nhãn từ tháng 5 âm lịch đến hết tháng 8, tức là khoảng 4 tháng”.
Bí quyết của ông Cảnh là điều chỉnh thời gian ra lộc thu, thời gian ngủ đông hay ra hoa, kết trái theo ý mình. Nếu muốn nhãn ra sớm thì từ rằm tháng 9 âm lịch phải xử lý chăm cây, kích thích thì đến tháng 5 năm sau sẽ được thu quả. Nếu muốn ăn nhãn muộn, gần tháng 12 mới bắt đầu xử lý. “Nhãn ngọt nhất vào từ nước 2 đến nước 3 (mỗi nước cách nhau 1 tuần) sẽ cho vị ngọt sắc, nhưng nếu để quá một chút, vị ngọt sẽ giảm đi. Do đó, nếu khách thích độ ngọt sắc hay man mát, chúng tôi sẽ chiều ý khách như vậy”, ông Cảnh nói. Do đó, ngoài lựa thời điểm thu hoạch, ông còn điều chỉnh bằng chế độ chăm sóc để giảm độ đường trong quả. “Nếu bón ít ka-li có thể giảm độ đường trong quả. Dù là cùng một loại nhãn, cùng một vườn nhưng chúng tôi có thể điều chỉnh với độ ngọt ở mỗi cây khác nhau” - ông Cảnh chia sẻ.
Những năm gần đây, do học hỏi được những tiến bộ khoa học kỹ thuật nên trang trại nhãn đặc sản của gia đình đã đem lại những thu nhập đáng kể: Nếu năm 2009 tổng thu đạt 230 triệu đồng thì đến năm 2013, tổng thu đã gấp đôi, đạt 500 triệu đồng. Trang trại gia đình trồng trên cam, mỗi năm trừ chi phí lãi khoảng 200 triệu đồng trở lên. Do làm ăn có hiệu quả nên trang trại của gia đình ông còn tạo công ăn việc làm cho 8-10 lao động trong thôn với mức lương 80-150.000 đồng/ngày.
Ông tâm sự: “Việc phát triển kinh tế hộ gia đình không hề khó, chỉ cần quyết tâm, kiên trì, sáng tạo, đổi mới và không ngừng học hỏi những kiến thức khoa học và kỹ thuật thì chắc chắn sẽ thành công”. Bên cạnh việc phát triển kinh tế trang trại hiệu quả, ông còn là người tuyên truyền, vận động và giúp đỡ một số hội viên về vốn, giống, truyền tải những kinh nghiệm của mình cho những ai muốn học hỏi, phát triển kinh tế vườn. Bản thân ông cũng là người tham gia tích cực các phong trào của địa phương cũng như của thành phố phát động, đặc biệt là phong trào của Hội nông dân, Quỹ khuyến học, khuyến tài... chia sẻ, giúp đỡ các cháu nhà nghèo là con em hội viên vượt khó, chăm ngoan học tập. Cụ thể, khi phong trào “Bảo trợ trẻ em nghèo vượt khó” được phát động, gia đình ông đã bảo trợ mỗi năm một cháu, từ năm 2008-2013 đã bảo trợ được 5 cháu với tổng số tiền 6 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng thể hiện được tấm lòng nhân ái, động viên những học sinh nghèo vượt khó ở địa phương. | | Ông Nguyễn Văn Cảnh, hội viên HLV thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn (TP. Hưng Yên – Hưng Yên) |
Với những việc làm thiết thực của mình, ông Cảnh đã được các cấp ngành tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen cho những đóng góp vì cộng đồng. Tiêu biểu là Bằng khen có thành tích trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban chấp hành Tỉnh ủy Hưng Yên trao tặng năm 2010; được đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức và được Bộ trưởng tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế trang trại năm 2011...
Nhằm phát huy những thành tích đã đạt được trong nhiều năm qua và phấn đấu cho những năm tiếp theo, ông luôn ý thức phải cố gắng nhiều hơn nữa để góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong công cuộc giảm nghèo, làm giàu chính đáng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.