Điểm mặt đại họa
Mùa mưa bão năm 2014 đang cận kề, NNVN xin điểm lại những biến cố ngày càng dữ dội của những mùa mưa bão đã tàn phá, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của cho nước ta trong 5 năm trở lại đây.
Năm 2008, một năm được xem là ít bão khi không có cơn bão nào đổ bộ trực tiếp vào nước ta. Tuy nhiên, ảnh hưởng của hai cơn bão số 4 và số 6, cùng mưa lớn lịch sử lại gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng cho các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là thiệt hại về người.
Đầu tháng 8/2008, cơn bão số 4 (tên quốc tế là Kammuri) đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), sau đó di chuyển nhanh sang phía tây và tan thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) tại các tỉnh ven biên giới phía Bắc.
Mưa lớn liên tiếp những ngày sau đó do ảnh hưởng của hoàn lưu bão đã gây nên hàng loạt vụ sạt lở đất, lũ quét kinh hoàng xảy ra tại khắp các tỉnh biên giới phía Bắc như Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng... Tổng cộng, 167 người chết và mất tích, hàng trăm người bị thương, hơn 1.000 nhà cửa và công trình công cộng và gần 20 nghìn ha hoa màu bị cuốn phăng...
Cuối tháng 9/2008, cơn bão số 6 (Hagupit) có đường đi giống hệt cơn bão số 4, tiếp tục gây mưa lớn cho các tỉnh ven biên giới phía Bắc khiến thêm 46 người chết và mất tích.
Hơn một tháng sau đó, vào những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11/2008, đợt mưa lớn kỷ lục trong vòng 100 năm trút nước xuống miền Bắc đã gây ra trận đại hồng thủy kinh hoàng, đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội. Toàn thành phố đã bị nhấn chìm, hỗn loạn trong nhiều ngày.
Theo thống kê không chính thức, toàn miền Bắc đã có hơn 80 người thiệt mạng vì trận lũ lụt lịch sử này (trong đó Hà Nội 21 người, tiếp theo là Nghệ An 22 người, Hà Tĩnh 17 người...).
Theo số liệu của BCĐ Phòng chống lụt bão TƯ năm 2008, thiên tai đã cướp đi sinh mạng của gần 540 người (cao nhất từ năm 2008 đến nay), gây thiệt kinh tế tới 13.300 tỉ đồng.
Nếu như năm 2008, miền Bắc phải gánh chịu hậu quả thiên tai nặng nề thì năm 2009, đến lượt các tỉnh miền Trung hứng chịu những cơn bão giữ.
Ngày 29/9/2009, cơn bão số 9 (tên quốc tế là Ketsana) với sức gió mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 13, cấp 14 đổ bộ thẳng vào khu vực hai tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi. Tại các tỉnh ven tâm bão như TP. Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và cả các tỉnh Tây Nguyên gió giật cấp 9, cấp 10.
Những trận mưa lớn dồn dập trong thời gian ngắn trước và sau bão đã đổ xuống khắp các tỉnh từ miền Trung – Tây Nguyên, có nơi tới 600-700 mm. Lũ trên các con sông từ nam Quảng Bình đến Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên lập tức dâng lên đột ngột khiến người dân không kịp trở tay.
Bão kèm mưa lũ đã khiến 174 người chết và mất tích, gần 630 người bị thương, gần 22 nghìn ngôi nhà bị sập, trôi và hàng trăm nghìn ha cây trồng nông nghiệp bị tàn phá hoàn toàn...
Ước tính, tổng thiệt hại do bão Ketsana gây ra cho các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên lên tới trên 14.000 tỷ đồng (lớn hơn thiệt hại thiên tai của cả nước trong năm 2008). Nhiều tổng hợp đánh giá cho thấy, bão Ketsana thậm chí còn tàn phá khủng khiếp hơn cả trận siêu bão Xangsane năm 2006.
Một tháng sau cơn bão Ketsana, một cơn bão khác có tên quốc tế là Mirinae (bão số 11) mặc dù khi vào đất liền thuộc các tỉnh Bình Định – Khánh Hòa sức gió đã giảm xuống cấp 8, cấp 9, tuy nhiên những đợt mưa giáng xuống liên tục trong hơn 3 ngày với tổng lượng từ 400-500 mm đã nhấn chìm nhiều làng mạc thuộc các tỉnh Bình Định, Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên.
Với tổng cộng 15 cơn bão và 4 ATNĐ hoạt động trên biển Đông, trong đó có tới 12 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp, năm 2013 được ghi nhận kỷ lục là năm có số lượng cơn bão nhiều nhất đổ bộ vào nước ta. Đây cũng là năm có số lượng lớn các cơn bão mạnh trên cấp 12 đổ bộ trực tiếp vào nước ta, đặc biệt là bão số 10 (Wutip) và bão số 11 (Nari) mạnh cấp 13, cấp 14 đổ bộ vào miền Trung kèm mưa lớn đã tàn phá nghiêm trọng các tỉnh miền Trung. Siêu bão Haiyan mạnh nhất thế giới mặc dù không đổ bộ trực tiếp vào nước ta nhưng cũng gây thiệt hại không nhỏ. Đáng mừng là năm 2013, với công tác triển khai phòng chống lụt bão hết sức rốt ráo, thiệt hại về người và của đã được giảm thiểu tối đa. |
Mặc dù gió bão không mạnh, nhưng mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 11 đã gây thiệt hại nặng nề đối với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Gia Lai. Ít nhất 124 người đã bị chết hoặc mất tích; gần 2.400 căn nhà bị sập, trôi cùng gần 50 nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; gần 3.500 lồng bè nuôi thủy sản ven biển bị cuốn trôi, vỡ...
Trong vòng 3 năm từ 2010 đến 2012, đây được xem là giai đoạn có số lượng cơn bão/năm đổ bộ trực tiếp vào nước ta không nhiều (lần lượt là 3 cơn năm 2010, 4 cơn năm 2011 và 5 cơn năm 2012), đồng thời không xuất hiện các cơn siêu bão.
Tuy nhiên, những thiệt hại đáng tiếc, đặc biệt là thiệt hại về người do mưa bão gây ra vẫn rất lớn. Trong đó, một số cơn bão bên cạnh yếu tố di chuyển thất thường khiến dự báo sai lệch, thì yếu tố chủ quan của người dân cũng như khó khăn bị động trong công tác phòng chống bão đã khiến thiệt hại xảy ra không nhỏ.
Điển hình như bão số 1 năm 2010 (Conson) đổ bộ vào Thái Bình, Quảng Ninh làm tổng cộng 12 người chết. Trong đó do nhiều nguyên nhân chủ quan như: ngư dân ở lại trên thuyền, bè khi bão vào bờ; nhiều tàu cá miền Trung hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đã không chủ động di chuyển kịp vào bờ khi bão vào biển Đông, gây chìm tàu, mất tích nhiều người, thậm chí một số người đi tắm biển cũng bị thiệt mạng do chủ quan, thiếu thông tin khi bão sắp đổ bộ...
Cũng năm 2010, cơn bão số 3 (Mindunlle) đổ bộ dọc vào các tỉnh từ Hà Tĩnh ra tới Nghệ An, mặc dù bão chỉ mạnh cấp 9, giật cấp 10, cấp 11 nhưng do nhiều địa phương chủ quan, cho rằng nhiều năm chưa có bão đổ bộ vào nên vẫn "bình chân như vại" khi bão sắp vào đất liền nên thiệt hại nghiêm trọng. Bão làm tổng cộng 6 người chết, hơn 24 nghìn ngôi nhà tốc mái, thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng, trong đó Nghệ An thiệt hại lớn nhất với hơn 1.000 tỉ đồng.
Năm 2012, cơn bão số 8 (hay còn gọi bão Sơn Tinh) khiến nhiều người vẫn chưa thể quên bởi sự di chuyển phức tạp của nó. Đi vào biển Đông và áp sát các tỉnh ven biển miền Trung từ ngày 24/10/2012, bão Sơn Tinh không đổ bộ ngay vào đất liền mà di chuyển dọc ven biển các tỉnh miền Trung ngược ra phía Bắc, rồi đột ngột đổ bộ vào ven biển các tỉnh từ Ninh Bình đến Hải Phòng trong đêm 28/10/2012, trong đó tại Nam Định, Thái Bình có sức gió mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12.
Do là cơn bão muộn, thông tin dự báo không theo kịp đường đi của bão, các tỉnh ven biển vùng ĐBSH đinh ninh bão sẽ đổ bộ vào miền Trung nên gần như không kịp trở tay triển khai phòng chống bão. Tổng cộng, bão Sơn Tinh khiến 7 người chết, thiệt hại kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp vô cùng lớn với hơn 7.500 tỉ đồng, trong đó Nam Định và Thái Bình chịu hậu quả nặng nề nhất, đặc biệt là việc tháp truyền hình cao nhất miền Bắc tại Nam Định bị gãy sập hoàn toàn.
Diễn biến thiệt hại, công tác sơ tán dân phòng chống bão lụt giai đoạn 2008 – 2013:
Năm |
2008 |
2009 |
2010 |
2011 |
2012 |
2013 |
Thiệt hại kinh tế (tỷ đồng) |
13.300 |
23.745 |
16.000 |
12.703 |
15.834 |
28.000 |
Số người sơ tán |
|
700.000 |
|
77.100 |
100.000 |
1.600.000 |
So sánh thiệt hại hai cơn bão mạnh năm 2009 và 2013:
|
Bão số 9/2009 |
Bão số 11/2009 |
Bão số 10/2013 |
Bão số 11/2013 |
Cấp bão |
10-11 |
8-9 |
12-13 |
12-13 |
Người chết và mất tích |
174 |
124 |
14 |
26 |
Người bị thương |
629 |
150 |
225 |
49 |
Thiệt hại kinh tế (tỉ đồng) |
14.000 |
5.000 |
11.000 |
1.502 |
Nhà sập |
21.614 |
2.362 |
528 |
511 |