Theo bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trấn Yên: Để thúc đẩy chăn nuôi theo hướng hàng hóa, Phòng đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy từ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển dần sang chăn nuôi với quy mô lớn theo hướng hàng hóa gắn thị trường. Bên cạnh đó, cán bộ Phòng còn phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện, khuyến nông viên cơ sở tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi từ khâu sản xuất, chọn giống đến phương pháp chăm sóc theo hướng an toàn sinh học, phòng trừ dịch bệnh. Đối với các gia đình có đủ điều kiện phát triển chăn nuôi quy mô lớn thì được hướng dẫn kỹ thuật xây dựng chuồng trại theo quy định, xây dựng hầm Biogas, máng ăn uống, kỹ thuật chọn lựa con giống tốt… Sau khi hoàn tất tiến hành nghiệm thu, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở chăn nuôi theo quy định.
Tới thăm trang trại chăn nuôi của ông Vũ Văn Mỹ, thôn Quyết Thắng, xã Y Can, một hộ chăn nuôi tổng hợp với 6.000 con gà, 500 con ngan và 200 con lợn. Vừa nhanh tay cho gà, ngan ăn ông Mỹ vừa bộc bạch: "Gia đình có trên 1 ha đồng đất nếu như trước chỉ dựa vào cây lúa thôi thì chỉ đủ ăn, không tích lũy được gì, xoay đủ nghề để sống rồi chăn nuôi thêm mà vẫn thấy khó khăn. Đến năm 2011, nhờ chính sách hỗ trợ chăn nuôi của Nhà nước, cộng với gia đình vay mượn thêm từ anh em, bạn bè đã đầu tư nuôi 1.000 con gà. Nhờ được cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên lứa gà năm đó thu được kết quả rất tốt, những năm sau gia đình cứ đà ấy phát triển mở rộng đàn dần".
Mô hình chăn nuôi lợn thịt của hộ gia đình Ông Vũ Văn Mỹ, thôn Quyết Thắng, xã Y Can, huyện Trấn Yên.
Khu chăn nuôi của gia đình ông Mỹ được xây dựng biệt lập và có biển cấm người vào để đàn vật nuôi tránh tiếp xúc với nguồn dịch bệnh từ ngoài vào. Do có kinh nghiệm trong phòng dịch mà 4 năm qua đàn vật nuôi nhà ông chưa một lần dịch bệnh, nên chưa năm nào gia đình ông bị thiệt hại do bệnh dịch. Từ phát triển ổn định, đàn gia cầm, đàn lợn mỗi năm cho gia đình thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng.
Cũng như gia đình ông Mỹ, anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Hòa Bình cũng là mô hình chăn nuôi có hiệu quả. Anh cho hay: "Năm 2009, gia đình tôi được tham gia Dự án chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa của tỉnh. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, gia đình đã phát triển lên gần 200 con lợn thịt và trên 20 lợn nái, mỗi năm cho thu nhập ổn định từ 100 đến 200 triệu đồng, gia đình đã thoát nghèo vươn lên khá giả".
Nhận thấy hiệu quả kinh tế bền vững của việc phát triển chăn nuôi, nhiều gia đình khác cũng mạnh dạn đầu tư, thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung cấp sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số trang trại chăn nuôi đầu tư cơ sở vật chất, con giống ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi với quy mô lớn như: Trang trại của ông Hà thôn Hồng Hà, xã Nga Quán, với 600 con lợn nái; trang trại nhà ông Thi thôn Quyết Thắng, xã Y Can chăn nuôi 2.400 con lợn thịt/lứa; trang trại nhà ông Đoàn Văn Tuấn thôn Thắng Lợi, xã Y Can nuôi gà quy mô 2.000 con/lứa; trang trại nuôi 100 thỏ cái sinh sản và 3.000 thỏ thịt/năm của ông Quang xã Lương Thịnh... Tính đến tháng 12/2014, toàn huyện Trấn Yên có 52.766 con lợn, trên 557.712 con gia cầm, mỗi năm cung cấp ra thị trường đạt 5.270 tấn lợn thương phẩm, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Nói về chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa, bà Triệu Thị Bích Liệu – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết thêm: "Đây là một chính sách có nhiều ý nghĩa, người chăn nuôi rất phấn khởi. Để đạt mục tiêu đưa đàn gia súc chính trên địa bàn đạt 65.050 con, trong đó: đàn trâu 7800 con, đàn bò 750 con đàn lợn 56.500 con đàn gia cầm 605.000 con; tổng sản lượng lợn hơi các loại đạt 60.020 tấn, huyện tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa, trong đó chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ khâu chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đưa giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từ đó làm thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ của người dân, nhân rộng nhiều mô hình chăn nuôi để xóa đói, giảm nghèo góp phần tích cực phát triển kinh tế trên địa bàn huyện”.