Vườn hoa công nghệ cao của một hộ dân ở Tp.Pleiku, Gia Lai.
Đến Vườn hoa lớn nhất phường An Tân, thị xã An Khê của ông Phan Chứ (ngụ tại tổ dân phố 5), chúng tôi choáng ngợp trước sự đa dạng và phong phú các loại hoa: từ cúc chậu, cúc điện, đồng tiền, đến hoa lily, cát tường… Trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng hoa thược dược, vạn thọ để cung ứng vào những ngày rằm, mùng 1 hàng tháng và trong dịp Tết. Khi cúc điện Đà Lạt xuất hiện, người mua dần bỏ rơi vạn thọ và nghiêng hẳn về cúc. Người trồng cũng theo đó mà đổ xô nhập giống về trồng và bản thân ông Chứ cũng không ngoại lệ. Sau khi nhận thấy rõ nhu cầu thị trường, tích lũy kinh nghiệm cũng như nhận hỗ trợ từ dự án, năm 2008, ông Chứ bắt tay vào trồng hoa trong nhà lồng.
Xã An Phú – Tp.Pleiku nổi tiếng là vựa hoa lớn nhất tỉnh Gia Lai. Gia đình bà Cái Thị Hà (thôn 12 - xã An Phú - Tp. Pleiku) là một trong những hộ trồng hoa cao cấp lâu năm, bà Hà chia sẻ: “Nông dân quanh Thôn 12 này cứ tới độ giữa tháng 9 là lo dọn dẹp lấy một phần đất tốt dành để trồng hoa xuân. Hoa lay ơn tại vuông phải đặt giống sớm hơn, thường khoảng đầu tháng 10 Âm lịch là bỏ giống. Lay ơn giống đỏ mật thì xuống giống muộn hơn khoảng nửa tháng. Còn phải căn cứ trên đất khô, đất ướt để tính tới lui ngày đặt giống sao cho hoa nở trúng Tết”.
Với kinh nghiệm 4 năm thực hiện mô hình trồng hoa trong nhà lồng, ông Võ Đăng Hùng (thôn 11, xã An Phú) đã xây dựng được một vườn hoa đa dạng, phong phú về chủng loại chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết. 4.000 cây cát tường (trắng viền tím, trắng viền hồng, xanh bơ, đỏ mật); 6.000 cây cúc điện (saphia, vàng đồng, thạch bích,…); 400 hoa bi bi (ngàn sao); khoảng 600 cây lay ơn đỏ mật, đỏ tai vuông… đang được ông trông nom, chăm sóc cẩn thận, chờ ngày chúng phô sắc khoe hương.
Theo chị Nguyễn Thị Thủy (thôn 8, xã An Phú): “Với 800 m2 đất, Tết năm nào gia đình tôi cũng trồng lay ơn để đóng bán sỉ ra Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và một phần tiêu thụ tại Pleiku. Với giá 2.500 đồng/cành, trừ chi phí, năm ngoái gia đình tôi thu được khoảng 30 triệu đồng/vụ tiền lãi”.