Cách đây vài chục năm, khi giống cá mè vinh đứng trước nguy cơ cạn kiệt, chú Âu Văn On, chú Nguyễn Tấn Tước… mạnh dạn mời cán bộ thủy sản của Viện Nuôi trồng Thủy sản (NTTS) II, cán bộ khuyến nông hỗ trợ cho con cá mè vinh sinh sản bằng cách chích não thuỳ (lúc đó chưa có thuốc kích dục tố). Sau đó mấy năm, làng nuôi cá ấp Mỹ Chánh cũng tìm tòi được phương thức ương nuôi cá trên ruộng (mà hiện nay gọi là “mô hình Cá – Lúa”) lợi cả đôi đường. Mật độ cá thưa, thức ăn tự nhiên nhiều, cá rất mau lớn; bên cạnh đó, cá ương nuôi trong ruộng cung cấp một nguồn phân bón đáng kể cho cây lúa phát triển, chúng còn giúp nhà nông tiêu diệt các loài sâu bọ trên ruộng lúa của mình rất hiệu quả. Từ đó làng nghề không ngừng phát triển, đến năm 2000 bà con trong ấp Mỹ Chánh bắt đầu ương nuôi thuỷ sản đại trà, lên đến trên 90 hộ sản xuất đủ các loại cá thịt, cá giống với đủ các chủng loại: mè Vinh, mè trắng, mè hoa, chép, trôi, trắm cỏ, cá mùi, rô, sặc rằn… để cung cấp cho thị trường trong tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mỗi năm thu về hàng chục tỷ đồng. Nhiều người gọi cánh đồng ấp Mỹ Chánh là cánh đồng 100 triệu, nghĩa là thu nhập bình quân của người dân tính trên đơn vị 1 ha đất khoảng 100 triệu đồng/năm.
Vào năm 2001, giới chuyên môn ngành thủy sản ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung bị thu hút vào con cá chim trắng. Theo các nhà khoa học, để cá chim trắng sinh sản được, ngoài nhiều yếu tố sinh học rất khó thực hiện, cá phải có tuổi đời từ 2 - 3 năm mới thành thục. Thời điểm này chưa ai cho sinh sản nhân tạo cá chim trắng được. Lúc ấy, chú Hai On là một trong số ít người được hỗ trợ 200 con cá giống chim trắng 10 ngày tuổi nhập về từ nước ngoài theo chương trình phát triển giống của Trung tâm Khuyến nông. Sau thời gian nuôi dưỡng, đàn cá chim trắng phát triển nhanh, đồng đều, khi kéo cá lên kiểm tra thấy cá cái phát dục, chứa đầy một bụng trứng. Vậy là chú tuyển chọn để ép cho cá đẻ. Cá chim trắng đẻ với tỉ lệ ngoài sự mong đợi. Đem khoe kết quả này với mọi người, ai cũng không tin, ngay cả các nhà khoa học cũng nghi ngờ, chỉ khi tới trang trại của chú chứng kiến người ta mới gật đầu thừa nhận.
Chính vì thế cá nhân chú Hai On và nhiều bà con trong làng nghề được tuyên dương nông dân sản xuất giỏi các cấp nhiều năm liền. Chú Hai On nhận được nhiều giải thưởng cao quí như: Giải thưởng Bông lúa vàng, Cúp Tôn vinh nông dân sáng tạo, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi toàn quốc…
Bây giờ…
Với phương thức sản xuất 1 vụ lúa và thời gian còn lại sản xuất cá giống, nhiều bà con trong làng cá đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhưng sản xuất tự phát, không có quy hoạch nên luôn gặp rủi ro. Dịch bệnh ngày càng phát triển, môi trường nước ngày một xấu đi (hộ này tháo nước ra, hộ khác cấp nước vào nên dòng nước cứ lẩn quẩn). Có nhiều vụ, bà con thả bột cá mè Vinh đến năm bảy lần mới “đậu” vì pH nước luôn biến động thất thường, hay khi cá giống vô vèo chuẩn bị xuất bán thì phát bệnh không thể bán được... Chính vì thế, năm 2009 Sở nông ngiệp và PTNT Tiền Giang đề xuất và được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt dự án: Xây dựng khu đê bao thủy lợi thủy sản phục vụ làng cá Mỹ Chánh 4, xã Hậu Mỹ Bắc A với quy mô 100 ha. Với dự án này, mỗi năm người dân Mỹ Chánh 4 chỉ sản xuất một vụ lúa đông xuân và từ 3-4 vụ cá giống. Việc sản xuất cá giống thuận lợi hơn trước rất nhiều, do chủ động được nguồn nước cấp. Do làm lúa vụ đông xuân giảm triệt để chi phí phân bón và thuốc trừ sâu nên lợi nhuận mỗi năm đạt từ 100 - 110 triệu đồng/ ha (lúa 25 triệu đồng, cá 80 - 95 triệu đồng).
Bây giờ, ngoài sản xuất giống đối tượng truyền thống như mè Vinh, mè trằng, mè hoa, chép, trắm cỏ… nhiều bà con trong làng nghề đã mạnh dạn đầu tư ương giống các đối tượng có giá trị kinh tế cao như: cá tra, ếch, bống tượng, chình… Chính vì nhờ có hệ thống thủy lợi tốt, biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất (như ứng dụng các chế phẩm sinh học, thả ương mật độ cân đối, quản lý môi trường nước hợp lý...), đồng thời đa số bà con trong làng nghề đã được đào tạo qua các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về NTTS (lớp huấn luyện, dạy nghề, tập huấn, sinh hoạt CLB khuyến nông, các mô hình trình diễn kỹ thuật), từ đó nhiều hộ dân đã ứng dụng hiệu quả vào mô hình sản xuất của mình.
Mô hình trình diễn dùng chế phẩm sinh học ương cá mè Vinh
tại xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang
Điển hình, hộ anh Nguyễn Văn Trước, với 6.500 m2 mặt nước chuyên ương cá tra giống, mỗi vụ xuất khoảng 20 tấn cá giống, mỗi năm lợi nhuận bình quân gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn đầu tư xây dựng trại sản xuất ếch giống, rắn ri voi bước đầu thu lại lợi nhuận khá cao. Anh Nguyễn Văn Mau, với 1 ha mặt nước chuyên sản xuất cá giống, đã ứng dụng chế phẩm sinh học trong ương cá mè Vinh, mỗi vụ xuất bán khoảng 2 tấn cá giống, mỗi năm lợi nhuận trên 150 triệu đồng.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, vào những tháng mùa lũ bà con trong làng háo hức thả bột cá trôi để ương khoảng 2 tháng, sau đó bán ra thị trường làm cá thương phẩm với năng suất khoảng 1 - 2 tấn cá/ha. Bình quân mỗi ngày bà con xuất bán về chợ đầu mối Bình Điền, Tp. HCM trên 2 tấn cá trôi “non”, giá bình quân 30.000 đồng/kg, thu nhập tăng thêm 20 - 30 triệu đồng/ha. Bây giờ, bà con không còn sợ cụm từ “cá linh giả” như một số báo đài đã đưa tin nữa, bởi vì, như bà con tâm sự thì thị trường đã chấp nhận con cá trôi “non” để phục vụ cho bữa ăn của gia đình. Hiện nay lượng cá xuất bán không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của thị trường./.