Từ nhà anh ra khu nuôi nhốt dê cách chừng nửa cây số. Chuồng nuôi được rào chắn rất cẩn thận, cạnh chuồng có khu sân chơi cho dê là những phiếm đá nhỏ, những cây bương, cây luồng rất thoáng mát cho dê nghỉ ngơi sau một ngày leo trèo.
Dê là động vật ăn tạp, thức ăn chúng ưa thích là cây rừng, lá rừng, lá sung, lá mít… Anh Bách đã tận dụng chăn thả dê trên các khu đồi, núi gần nhà nên không tốn kém thêm chi phí thức ăn. Ngoài ra cũng có thể cho dê ăn thêm cám gạo, cám ngô. Anh Bách cho biết: “Từ khi nuôi dê đến giờ cũng có vài lần tôi bị mất ăn mất ngủ vì chúng bị bệnh. Tuy nhiên vừa nuôi, vừa tích lũy kinh nghiệm nên đến thời điểm hiện tại, nếu đàn dê của gia đình tôi chỉ mắc các bệnh thông thường như chướng hơi hay đi ngoài là tôi có thể xử lý dễ dàng. Ngoài ra, để hạn chế dê bị bệnh, không nên thả dê vào sáng sớm khi ngọn cỏ, lá cây còn ướt sương, dê ăn vào rất dễ bị đi ngoài”.
Đàn dê của gia đình anh Bách chủ yếu là dê núi với hình dáng nhỏ nhưng được các thương lái rất ưa chuộng. Năm 2014, anh xuất bán được 3 tạ với giá bán thương phẩm 130.000 - 140.000đồng/kg, nhờ đó mỗi năm gia đình anh thu lãi 40 - 50 triệu đồng. Không chỉ nuôi dê, anh Bách còn nuôi thêm gà nhằm cải thiện bữa ăn và cũng là tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Ông Lê Thanh Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh cho biết: Hiện nay tổng đàn dê của xã có khoảng gần 400 con, tập trung nhiều nhất ở xóm Lòn. Nhờ tận dụng được địa hình đồi núi để nuôi dê mà nhiều hộ dân đã cải thiện được cuộc sống, vươn lên làm giàu … Thực tế, mô hình này cần được nhân rộng hơn nữa vì phát huy hiệu quả kinh tế cao, bởi vốn đầu tư ít và thị trường tiêu thụ khá dễ dàng.