Đến năm 2000, bà Tám xây dựng một trại lợn nái F1 với số lượng 100 con nhằm phát triển kinh tế cho gia đình mình và làm mô hình để giúp các hộ nông dân khác tự tin phát triển chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp giống bà.
Năm 2002, nhận thấy thị trường trong nước vẫn tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi từ nước ngoài (trứng Trung Quốc) bà thực hiện xây dựng trang trại nuôi gà đẻ trứng theo hướng công nghiệp. Việc đầu tư ban đầu gặp không ít khó khăn về kinh nghiệm, vốn, kĩ thuật, phương thức chăn nuôi… Đầu năm 2004, đại dịch cúm gia cầm xảy ra, gia đình bà cũng bị thiệt hại đáng kể. Không chịu thua lỗ ở đó, bà quyết tâm khắc phục và khôi phục lại đàn. Bà hăng hái học hỏi kĩ thuật, kinh nghiệm tái đàn từ các đồng chí kĩ sư chăn nuôi của huyện, tỉnh, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tiên tiến kết hợp với các kinh nghiệm cổ truyền (cho gà uống nước tỏi 1 lần/tuần). Kết quả là trang trại đã khống chế được dịch cúm gia cầm, không để dịch tái xuất hiện và trại gà của bà lại trở lại hoạt động bình thường vào cuối năm 2005.
Nhờ nhanh nhậy trong chăn nuôi, áp dụng các công nghệ tiên tiến và nắm bắt được xu thế phát triển kinh tế, bà Tám chọn hướng đi cho trang trại gà của mình là “sản xuất theo hướng hàng hóa lớn với công nghệ cao”. Cho nên từ ban đầu với diện tích trại gà là trên 10.000m2, đến năm 2008 bà đã mở rộng trại gà lên tới trên 40.000m2, trong đó diện tích chuồng trại là trên 12.000m2. Giống gà cũng được bà thay đổi và nâng cấp để tăng chất lượng. Bà tập trung chăn nuôi giống gà đẻ trứng thương phẩm CP Brown theo công nghệ cao của Việt Nam và thế giới, chuồng trại áp dụng theo công nghệ lạnh. Tổng đàn gà lúc đó lên tới 150.000 con gà đẻ. Cũng chính vì thay đổi phương pháp và cách làm ăn nên lợi nhuận thu được cũng rất cao và chênh lệch hơn nhiều so với trước (lợi nhuận hàng năm trước đây chỉ trung bình 350 triệu đồng/năm thì năm 2008 lợi nhuận đã tăng lên là 700 triệu đồng).
Một góc trại gà của Công ty Tám Lợi
Ngoài lợi nhuận thu được, trang trại đã tích lũy và tiếp thu được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, nhanh nhạy trong cơ chế thị trường… Qua đó bà cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi, kinh doanh với các hộ chăn nuôi khác có chí hướng vươn lên để phát triển kinh tế trang trại theo hướng tập trung thâm canh mang tính sản xuất hàng hóa cao… Bà tự hào và thấy vui hơn khi bản thân đã thoát nghèo và tư vấn, giúp đỡ được cho các hộ nông dân khác trong thôn, huyện lân cận thậm chí cả tỉnh bạn cùng tham gia sản xuất chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Nhiều nông dân khi đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi đã nhận xét về bà Tám: “ Bà Tám là người không chỉ làm giàu cho mình mà còn là niềm tin, chỗ dựa cho gia đình khác, là tấm gương để họ học hỏi và noi theo”. Sở dĩ nói bà như vậy là vì trong cả chặng đường phát triển kinh tế của gia đình mình, bà luôn song hành, chia sẻ với những hộ nông dân khác cùng chí hướng. Ngoài việc tuyên truyền phổ biến rộng rãi cách làm cho các hộ chăn nuôi khác biết, bà còn nỗ lực tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho họ, giúp họ giải quyết khó khăn khi gặp phải…
Từ khi trại gà phát triển cho đến khi thành lập Công ty Tám Lợi, bà đã giải quyết công ăn việc làm với mức lương ổn định cho gần 200 lao động. Bà luôn tự tin và nỗ lực vươn lên trong vai trò là người quản lý công ty của mình để minh chứng cho vấn đề mà bà vẫn tâm nguyện bấy lâu nay: “Phát triển kinh tế trang trại là giải pháp tốt nhất để nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu cho chính mình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn trong thời kì đất nước hội nhập”.