Anh Nguyễn Văn Báo chăm sóc đàn lợn thương phẩm đang chuẩn bị được xuất chuồng.
Tâm sự với chúng tôi, anh Báo phấn khởi cho biết: Nhờ gia đình lựa chọn được lợn bố mẹ tốt, có khả năng sinh sản cao nên nguồn lợn con giống chất lượng tốt, chăn nuôi hiệu quả. Để lợn nái sinh sản hiệu quả, thì khu chuồng nuôi phải đặt ở nơi yên tĩnh (tránh lợn giật mình gây động thai), những con lợn giống đực luôn được nhốt ở đầu chuồng – nơi đầu gió để toả mùi kích thích lợn nái nhanh động dục. Khi lợn nái có bầu sắp đẻ anh Báo đưa sang khu chuồng riêng để tiện cho việc đỡ đẻ và úm lợn con. Lợn con vừa đẻ ra được cắt nanh ngay và sau một ngày thì dùng dao sắc hơ lửa cắt đuôi. Việc cắt đuôi nhằm giúp cho lợn thương phẩm sau này đỡ vận động tiêu hao kalo và mông lợn phát triển to đều hơn, tăng hàm lượng thịt nạc. Riêng việc cắt đuôi mỗi con lợn chăn nuôi trong ba tháng đã tiết kiệm được 6 kg cám/con.
Trước năm 2004, gia đình anh Báo cũng giống như những các hộ dân khác trong xã Quý Sơn chỉ quan tâm đầu tư vào vườn cây vải thiều. Nhưng trong hai năm liên tiếp gần đó, quả vải thiều rớt giá, làm cho thu nhập của người trồng vải giảm sút. Trong khi đó, giá các các mặt hàng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không ngừng leo thang. Bởi vậy cuối năm 2004, anh Báo đã nghĩ cần phải đầu tư chăn nuôi thêm đàn lợn để có nguồn phân bón phục vụ chăm sóc cây ăn quả. Ban đầu anh Báo cũng chỉ đầu tư chăn nuôi 30 – 40 con lợn cỏ. Lứa lợn đầu tiên cho thấy: Việc chăn nuôi lợn không chỉ có thêm nguồn phân bón phục vụ lại cho sản xuất nông nghiệp mà mỗi con lợn khi xuất chuồng, hạch toán ra đã lãi hơn 100 nghìn đồng. Bởi vậy, anh Báo đã quyết tâm mở rộng mô hình, mỗi năm chuồng trại lại được đầu tư với quy mô lớn hơn. Từ giống lợn cỏ (lợn nái móng cái) gia đình anh Báo chuyển dần sang các giống siêu nạc. Đến năm 2006, anh Báo đã đấu thầu hồ đập nước rộng 5 ha của xã ở gần nhà và tiến hành cải tạo lại, rồi thực hiện việc chuyển chuồng trại chăn nuôi lợn từ nhà ra đó. Với lòng ham mê chăn nuôi lợn và càng nuôi nhiều càng thấy thắng lớn nên đã khuyến khích anh Báo mạnh dạn đầu tư. Đến nay, tính riêng việc đầu tư cải tạo hồ đập và xây dựng chuồng trại mới đã tốn 4,7 tỷ đồng.
Không chỉ chăn nuôi lợn hiệu quả, anh Báo còn hợp đồng với Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Bắc Ninh, làm đại lý cấp I vừa nhập cám về phục vụ chăn nuôi lợn của gia đình, vừa bán cho các hộ dân trong xã. Cùng đó, gia đình anh Báo còn tận dụng 4 ha hồ nước đầu tư nuôi trồng thủy sản bằng các giống cá như: mè, trôi, chép, cá chim trắng, rô phi đơn tính… Trung bình mỗi năm sản lượng cá khai thác được từ hồ đập cũng đạt khoảng từ 25 – 30 tấn. Như vậy, với trang trại chăn nuôi lợn kết hợp nuôi cá và kinh doanh tổng hợp, trong năm 2012 gia đình anh Báo đạt doanh thu trên 5 tỷ đồng, thu lãi khoảng 700 triệu đồng; năm 2013 doanh thu đạt từ 5 – 7 tỷ đồng, thu lãi khoảng 900 triệu đồng và năm 2014, doanh thu đạt 8 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1 tỷ đồng. Để duy trì trang trại hoạt động hiệu quả, anh Báo thường xuyên phải sử dụng 10 công nhân (mức lương cao nhất 5 triệu đồng/người/tháng chưa kể tiền ăn), vào thời điểm thu hoạch cá số lao động tăng lên đến 15 người
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh Báo còn là người có công trong việc gây dựng phong trào chăn nuôi lợn hiệu quả ở địa phương. Từ khi nhận thấy chăn nuôi lợn có hiệu quả kinh tế cao, anh Báo đã vận động các hộ dân trong thôn cùng đầu tư chuồng trại để chăn nuôi. Từ khi ấy, phong trào chăn nuôi lợn thương phẩm với quy mô vừa và nhỏ ở xã Quý Sơn đã phát triển khá mạnh. Giờ đây nhiều hộ dân đã có nguồn thu lãi từ 100 – 200 triệu đồng/năm từ chăn nuôi lợn hướng nạc.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, năm 2012, cụm dân cư số 3 thôn Giành Cũ chuẩn bị thực hiện kế hoạch cứng hóa 500 m chiều dài đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuy nhiên lúc đó, đời sống của hơn 20 hộ dân trong cụm còn gặp nhiều khó khăn, việc huy động tiền ở mỗi hộ nhằm tạo vốn đối ứng để xây dựng đường không hề đơn giản. Giữa lúc việc tuyên truyền vận động người dân trở nên khó khăn, anh Báo đã quyết định ủng hộ 30 triệu đồng để giúp dân làm đường, đồng thời anh đã tuyên truyền vận động nhân dân tham gia đóng góp tiền của, ngày công để xây dựng công trình theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Cùng đó, gia đình anh Báo còn ứng trước cho cụm dân cư hơn 140 triệu đồng để mua vật liệu như cát, sỏi để tổ chức thi công, đến khi được Nhà nước nghiệm thu công trình mới nhận lại tiền. Nhờ có sự tham gia tích cực đó của anh Báo, giờ đây hơn 20 hộ dân ở cụm dân cư số 3 đã được đi lại trên con đường bê tông sạch đẹp.
Với lối sống hòa đồng, giản dị, nói đi đôi với làm nên anh Báo luôn được bà con tin yêu. Cuối năm 2014, anh Nguyễn Văn Báo được 16 đảng viên trong chi bộ thôn tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ thôn. Ở cương vị đó, anh tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với cán bộ và nhân dân trong thôn. Trong công việc của thôn, anh luôn xác định đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Nhờ vậy, đầu năm 2015 trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất và tài sản trên đất để làm đường xây dựng nông thôn mới trên đoạn đường dài 1,5 km từ Giành Cũ ra thôn Tam Tầng, các hộ dân hai bên đường đã tự nguyện hiến hơn 5000 m2 đất, hơn 100 cây vải thiều và 300 m tường vành lao để mở rộng đường giao thông.
Với những thành tích đạt được trong sản xuất kinh doanh, cá nhân anh Nguyễn Văn Báo đã được nhận nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành trao tặng. Trong đó, đặc biệt năm 2012, anh nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Anh Nguyễn Văn Báo thực sự trở thành tấm gương tiêu biểu việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại địa phương.
Anh Báo đi trên con đường bê tông mới mở