Các xe đẩy thuyền đã giúp giảm bớt vất vả cho ngư dân vùng biển bãi ngang tỉnh Quảng Trị
Vùng biển bãi ngang tỉnh Quảng Trị bao gồm 8 xã: Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh), Trung Giang, Gio Hải (huyện Gio Linh), Triệu Vân, Triệu Lăng (huyện Triệu Phong) và Hải An, Hải Khê (huyện Hải Lăng) với tổng số tàu thuyền là 1.781 chiếc, chủ yếu là tàu thuyền nhỏ, có công suất dưới 20CV. Điểm khác biệt của vùng biển bãi ngang so với vùng biển cửa lạch là không có đồi núi chắn gió, đáy biển nông, sóng lớn, do đó tàu thuyền không thể neo đậu, nếu neo đậu thì sẽ bị sóng đánh trôi xa ra biển. Vì vậy để đưa thuyền xuống biển khi bắt đầu chuyến khai thác và đưa thuyền lên bờ khi kết thúc chuyến đi biển ngư dân phải gánh bằng vai, đẩy bằng tay. Họ thường dùng đòn, đặt vào một điểm tựa rồi nâng một nửa thuyền lên khỏi mặt đất, sau đó xoay thuyền theo một góc 1800, mỗi lần xoay thuyền di chuyển được một quãng đường khoảng 1/3 - 1/2 chiều dài thuyền. Xoay đi xoay lại nhiều lần như thế thì mới đưa được thuyền lên bờ hoặc xuống biển. Quá trình vận chuyển đòi hỏi từ 4 - 6 người và tốn nhiều công sức nên hiệu quả chuyến biển giảm. Đặc biệt, mỗi khi có bão hay áp thấp nhiệt đới phải đưa thuyền lên gò cao, cách mặt nước biển khoảng 200 - 300 m, khi đó phải có khoảng 8 - 10 người và mất từ 3 – 4 giờ mới vận chuyển thuyền lên gò cao được.
Ông Trần Văn Hòe ở thôn Thái Lai - xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) cho biết: Mỗi khi đi biển và sau khi đi biển về, bà con ngư dân phải vận chuyển thuyền rất khó khăn, vần đi vần lại nhiều lần trên bãi cát mới đưa được thuyền xuống biển hoặc lên bờ, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Trăn trở với nỗi vất vả của ngư dân, nhóm tác giả Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Văn Huân đã mạnh dạn đề xuất và bắt tay vào nghiên cứu, thiết kế, chế tạo xe đẩy thuyền để giảm bớt công sức đưa thuyền lên bờ và xuống biển của ngư dân. Anh Hòa cho biết: Để thực hiện thành công đề tài này anh đã lặn lội ra tận xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân – tỉnh Hà Tĩnh) là địa phương có tàu thuyền có kích thước và trọng lượng tương tự với tàu thuyền ở vùng biển bãi ngang tỉnh mình để tham khảo mẫu xe đẩy thuyền của ngư dân ở đây. Tuy nhiên qua nghiên cứu anh nhận thấy thiết kế của chiếc xe đẩy thuyền này chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng bãi ngang tại tỉnh nhà, đặc biệt là làm rạn vỏ thuyền do phản lực từ mặt sàn lên thuyền trong quá trình nâng thuyền lên khi di chuyển, dẫn đến giảm độ kín nước của thuyền và giảm tuổi thọ của vỏ thuyền. Để khắc phục những nhược điểm trên, anh đã miệt mài nghiên cứu và tìm ra phương án hạ trục xe, loại bỏ càng xe và cải tiến sàn xe từ cơ cấu cứng sang cơ cấu mềm.
Ưu điểm của chiếc xe đẩy thuyền sau khi được cải tiến đó là do trục bánh xe đã được hạ thấp nên ngư dân có thể dễ dàng đưa xe vào sâu dưới đáy thuyền, cho phép đưa thuyền lên xe ngay trên bờ; Trục xe cũng được cải tiến bằng sắt đường ray tàu hỏa nên chịu lực tốt hơn; Sàn đỡ thuyền làm bằng gỗ, nằm gá trên trục xe qua một khớp động dạng bập bênh, nhờ khớp động này sàn có thể dễ dàng quay quanh trục, nhờ vậy khi nâng thuyền lên phản lực của sàn xe lên vỏ thuyền được phân bố đều làm giảm việc rạn vỏ thuyền nên tuổi thọ của vỏ thuyền không bị ảnh hưởng khi sử dụng xe đẩy thuyền.
Sàn xe dạng bập bênh giúp đưa thuyền lên xe dễ dàng
Anh Hòa cho biết: Sau khi nghiên cứu, cải tiến thành công xe đẩy thuyền, Dự án sinh kế thủy sản đã hỗ trợ 25 chiếc xe đẩy thuyền cho ngư dân các xã Vĩnh Thái 10 chiếc, Hải An 7 chiếc, Hải Khê 6 chiếc, Gio Hải và Triệu Lăng mỗi xã 1 chiếc. Đến nay tất cả 25 chiếc xe đẩy thuyền tại 5 xã đã phát huy hiệu quả thực sự và được ngư dân đánh giá cao.
Theo ông Trần Văn Thận – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh): Xe đẩy thuyền mặc dù không phải là ngư cụ do đó không tạo ra hiệu quả kinh tế trực tiếp. Tuy nhiên việc được trang bị xe đẩy thuyền sẽ giúp cho ngư dân đỡ vất vả trong việc đưa thuyền xuống biển khi bắt đầu chuyến khai thác và đưa thuyền lên bờ sau khi đánh bắt xong. Làm cho người dân tích cực hơn trong việc đi biển góp phần nâng cao thu nhập cho ngư dân. Đặc biệt xe đẩy thuyền còn rút ngắn thời gian đưa thuyền lên bờ tránh bão hay áp thấp nhiệt đới.
Có thể nói, các xe đẩy thuyền đã tạo thuận lợi cho ngư dân khi đi khai thác hải sản và đặc biệt hữu ích vào mùa mưa bão, khi mà việc vận chuyển tàu thuyền lên nơi cao ráo sẽ giúp ngư dân tránh được thiệt hại về tài sản. Bên cạnh đó, do xe có thể phục vụ được cho một cụm thuyền đã góp phần tăng cường tính cộng đồng, giúp người dân đoàn kết hơn trong sản xuất và đời sống. Tuy nhiên với với giá thành khoảng 12 triệu đồng mỗi chiếc xe đẩy thuyền, vượt quá sức của ngư dân do vậy anh Hòa rất mong muốn có một dự án nào hoặc một nguồn hỗ trợ nào đó để hỗ trợ thêm khoảng 30 chiếc xe đẩy thuyền nữa, đủ đáp ứng nhu cầu của ngư dân.