Để tìm hiểu về giống bưởi này chúng tôi hỏi thăm và tìm đến hộ anh Phạm Nhân Ái. Được anh đón tiếp và qua trao đổi chúng tôi được biết: Trước đây, cây trồng chủ lực của gia đình anh là cây nhãn, nhưng loại cây này cho hiệu quả không cao, năm được mùa, năm mất mùa, anh suy nghĩ cần phải có một giống cây ăn quả khác thay thế cây nhãn để cải thiện đời sống gia đình. Anh đã tự tìm tòi học hỏi các mô hình ở những địa phương cả trong và ngoài tỉnh, nhận thấy cây bưởi có giá trị kinh tế cao, nhiều ưu điểm phù hợp với vùng đất quê anh.
Năm 2006, anh đã chặt bỏ vườn nhãn 12 năm tuổi, dọn sạch vườn, cải tạo lại đất. Anh đi khắp các vùng quê trong tỉnh sưu tầm các quả bưởi về ăn thử và chọn lọc ra những quả có nhiều ưu điểm, sau đó nghiên cứu nhân hạt và lai ghép, rồi trồng thử nghiệm trên diện tích 2 sào. Sau nhiều lần thất bại, gia đình, bạn bè cũng khuyên nên dừng lại, lựa chọn nghề phù hợp để làm ăn, nhưng lòng đam mê “nghiệp vườn” khiến anh càng tin tưởng và quyết tâm làm bằng được giống bưởi đặc trưng cho quê hương mình.
Đến nay, sau gần 10 năm lăn lộn, anh Ái đã tuyển chọn thành công với giống bưởi đỏ Ái Nhân này. Hiện nay, vườn của gia đình anh có hơn 40 gốc cho quả, mỗi cây có khoảng 40- 60 quả, bán với giá bình quân 60 nghìn đồng/quả (thời điểm Tết Nguyên đán có giá 100 nghìn đồng/quả), thu được khoảng 90 triệu đồng. Thu hoạch từ quả chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch mở rộng sản xuất của anh. Vì đây là giống bưởi quý lại dễ trồng và chăm sóc nên anh đang tích cực nhân giống để bán cho bà con quanh vùng. Mỗi năm, anh sản xuất cung ứng ra thị trường 2.000 cây giống, giá bán từ 40- 60 nghìn đồng/cây, thu được khoảng 100 triệu đồng.
Bưởi đỏ Ái Nhân có quả hình tròn, trọng lượng quả từ 1,6- 2,2 kg, cá biệt có quả nặng 2,8kg. Giống bưởi này chín vào dịp tết Nguyên đán nên dễ tiêu thụ, bán được giá cao. Quả hái xuống nếu để đúng quy cách còn lưu giữ được từ 3- 4 tháng mà vẫn giữ nguyên được màu sắc, hương vị. Khi chín bưởi có mầu vàng sẫm, cùi mỏng, múi quả to, ruột múi màu đỏ mọng nước, tôm ráo, vị ngọt thanh, có mùi rất thơm… Nhận thấy chất lượng và hiệu quả kinh tế của giống bưởi đỏ Ái Nhân mang lại, không ít hộ dân trong thôn cũng như ở các khu lân cận đã tìm đến mua giống và nhờ ông tư vấn cách trồng.
Anh Ái cho biết: “Trồng Bưởi đỏ Ái Nhân cũng đơn giản không cầu kỳ chỉ cần người trồng nắm được kỹ thuật là trồng thành công, chăm sóc và bón phân thì tuỳ từng tuổi cây mà ta bón lượng phân thích hợp. Bưởi đỏ Ái Nhân như một thương hiệu bởi chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng. Chính vì vậy mà sản phẩm của nông dân không phải lo đầu ra. Từ năm 2010 đến nay, năm nào Bưởi đỏ Ái Nhân luôn được Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Bắc Ninh lựa chọn để đem đi trưng bày và giới thiệu tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp quốc tế AgroViet diễn ra tại Hà Nội. Toàn bộ số bưởi trên đã được tiêu thụ hết, nhiều doanh nghiệp thương lái trong và ngoài nước đặt hàng”.
Anh Phạm Nhân Ái trưng bày và giới thiệu giống bưởi ruột đỏ Ái Nhân tại hội chợ triển lãm nông nghiệp Agroviet 2014
Bưởi đỏ Ái Nhân đã được Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam trực tiếp về thẩm định và đưa ra nhận định: Mầu sắc, hương vị, chất lượng dinh dưỡng của giống bưởi này không thua kém bất kỳ loại bưởi nổi tiếng nào của nước ta, thậm chí thời gian cất giữ còn cao hơn các loại bưởi khác. Giống bưởi này thích nghi tốt với thổ nhưỡng và khí hậu miền Bắc, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất, chất lượng cao nên phù hợp để trồng đại trà.
Được biết, trong thời gian tới anh Ái sẽ thuê đất nông nghiệp của bà con trong thôn để ươm giống và trồng bưởi cành, bưởi thế. Ngoài ra anh cũng đang chú trọng đến việc giới thiệu, quảng bá thương hiệu bưởi đỏ Ái Nhân để đông đảo người dân trong cũng như ngoài nước biết tới. Đây sẽ là hướng đi mới, mở ra nhiều cơ hội cho giống bưởi quí này tiếp cận thị trường, có cơ hội cạnh tranh thương hiệu với những giống bưởi nổi tiếng khác của cả nước như bưởi Diễn, Đoan Hùng, Da Xanh, Năm Roi…