Việc trồng cây có ý nghĩa thế nào? Liên quan gì tới cường thịnh quốc gia? Xin giới thiệu một số quan điểm của người xưa.
Qua những tư liệu Hán Nôm còn lưu lại sẽ cho chúng ta biết và hiểu thêm về cách suy nghĩ và việc làm của cha ông xưa với việc trồng cây.
Đúng như lời Quản Trọng (725 - 465 trước công nguyên), nhà chính trị - tư tưởng lớn, tướng quốc nước Tề (Trung Quốc), giúp Tề Hoàn Công làm nên sự nghiệp đã nói: “Thập niên chi kế mạc như thụ mộc” (Kế sách cho mười năm, lấy việc trồng cây làm đầu).
Mỗi Giám sinh trồng 2 cây ở Quốc Tử Giám
Quốc Tử Giám là nơi đào tạo nhân tài, chính quyền các triều đại phong kiến cũng đã chú trọng tới việc trồng cây những ngày xuân năm mới.
Trong sách "Hoàng triều Hàn lâm viện thực lục", có chép việc trồng cây ở Quốc Tử Giám dưới triều Nguyễn.
Đó là tờ Yết thị, trong đó viên Đường quan của triều đình ra lệnh cho các Giám sinh học ở Quốc Tử Giám chuẩn bị những giống cây quý hoặc cây ăn quả, trồng mỗi người 2 cây ở vườn trường.
Chức Đường quan trường Quốc Tử Giám yết thị như sau:
"Nhà Đại học là nơi vun trồng nhân tài, “đầy rẫy cây trăn, cây hộ”, “rườm rà cây vực, cây phác”. Các nhà thơ thường lấy đó làm cảm hứng, mà thơ “Phán thủy” trong thiên Lỗ tụng (trong Kinh Thi) có nói đến; như chợ cây hòe nhân vật Quan Tây còn lưu lại dấu thời xưa nay.
“Trồng người và trồng cây” thực là cùng một ý nghĩa vậy.
Năm nay, trước mùa xuân, được kiêm lĩnh đại nhân tới nhiều cây danh mộc đừng nên để hoang rậm rạp khắp nơi mà không sửa sang. Tiết lập xuân sắp tới, chính là lúc cây cỏ nẩy mầm, đất đai sinh trưởng.
Vì vậy ra yết thị này cho các viên Giám sinh nên lo tìm các cây gỗ quý (danh mộc) như thông, cối, quế, hòe, du, liễu; hoặc giống cây có quả như mít, nhãn, cau Nam Hải... mỗi người 2 cây để sang xuân trồng được khắp, cốt lập nên rừng gỗ quý, cây đẹp thành hàng. Đất làm kỹ, gốc trồng thưa, mọi thứ đều thỏa đáng. Người xưa có câu rằng: “Cái kế 10 năm không gì bằng trồng cây”.
Rường cột, dui mè trông chờ được có chỗ dùng, và cũng để nhìn ngắm cảnh này mà ngụ ý mình. Chớ cho là loài cây không dùng được mà tự thoái thác. Vậy ra yết thị này”.
Trồng cây ven quốc lộ
Cách đây đúng 145 năm, Nguyễn Thông (1827-1884) khi làm quan ở tỉnh Quảng Ngãi đã viết điều trần dâng lên vua Tự Đức đề ra việc trồng cây 2 ven đường và trách nhiệm bảo vệ cây của chính quyền địa phương.
Sách “Kỳ Xuyên công độc sơ biên” ghi lại như sau:
“... Còn như khoản trồng cây, tôi cùng viên Án sát Hồ Tiến Thụy đã từng tuân sức cho lính và dân trồng rộng rãi. Hiện số cây được bao nhiêu, đã tư lên Bộ Công biết.
Nhưng tôi trộm nghĩ rằng: Kế hoạch trồng cây phải mất 10 năm, đó là việc lâu dài mà quan phủ huyện thì thuyên chuyển bất thường, còn các phó tổng lý trưởng gặp những việc như thế phần nhiều hưởng ứng cho có chuyện. Cây cối một lần trồng xong, không có người trông nom, vẫn có nơi để trâu ngựa giẫm đạp, có nơi để trẻ con bẻ gãy, đợi khi điều tra, khám xét, sức cho trồng lại thì thời tiết đã muộn.
Đến khi cây lớn, thì lại bị bọn tiều dân chặt trộm về, khó lòng truy cứu. Vì thế năm trước đã vâng lệnh trồng cây ở hai bên cái quan (quốc lộ), mà đến nay hiện không còn được bao nhiêu. Tệ này vốn có đã lâu, có thể biết được đại khái.
Còn như đất ven núi thì lởm chởm đá, hoặc lùm lòi hoang rậm, chân người ít đến, là nơi sào huyệt của hùm sói, rắn rết. Lý dịch bịa ít thành nhiều, phủ huyện không sao đến từng nơi khám xét đích xác. Khi tỉnh tôi báo lên Bộ thì bằng bản khai báo của phủ huyện nên không tránh khỏi chuyện hư trương không đúng sự thật”.
Từ đó, Nguyễn Thông giám sát chặt chẽ việc trồng cây 2 ven cái quan dài 21.427 trượng, rộng 5 thước, phía nam giáp Bình Định, phía bắc giáp Quảng Nam, trong địa hạt ông quản lý.
Tết năm Canh Tý (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào trồng cây (kéo dài một tháng từ 6/1/1960 đến 6/2/1960), với câu nổi tiếng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. |
Trừ những nơi cát đá, cầu cống, đường sông đất trũng không thể trồng cây được, ước độ hơn 4.283 trượng, còn lại hơn 17.134 trượng. Cứ 2 trượng trồng đối nhau 1 cây, tính được trên dưới 17.134 cây.
Số cây trồng này, giao cho các viên phủ huyện chiếu theo chiều dài bao nhiêu trượng mà tính trồng được bao nhiêu cây, sức xuống cho tổng lý sở tại, đốc dân đem các loại cây mít, mù u, cứ theo phần đất chia mà trồng.
Quan phủ huyện ra lệnh giao trách nhiệm cho từng người chủ ruộng và người làm ăn ở 2 bên đường sớm hôm nhận chăm sóc, bảo quản.
Ngoài ra, các xã, thôn, hạt, trại, có cái quan đi qua và gò đống, đất bỏ hoang đều đem trồng cây. Các loại cây trồng thì không phải khó nhọc vun xới, mà nhân dân cũng dễ tìm kiếm.
Bởi vậy, Nguyễn Thông ra định hạn: Xã lớn phải trồng trên 200 cây, xã vừa trên 100 cây, xã nhỏ trên 50 cây. Tất cả đều giao cho các chủ đất và người làm sở tại trông nom, quản lý. Hễ cây lâu năm có quả sẽ cho họ được hái dùng.
Các hạng cây mới trồng ở 2 bên đường cái quan và ở các xã thôn, cùng với các hạng cây trồng lâu năm ở hai bên cái quan tất cả đều phải đăng ký lưu hồ sơ ở tỉnh. Các viên phủ huyện cùng quan lại kiểm soát, nếu các hạng cây mới trồng có bị hao hụt, lập tức phải bắt tuần hành xem xét không để xảy ra tình trạng hư úng.
Cứ dịp cuối năm, phủ huyện sẽ phải nắm lấy số mục để sức (báo cáo) về Bộ Công một lần. Cứ 3 năm, quan tỉnh hiệp đồng với các viên tri phủ, tri huyện đôn đốc kiểm tra qua một lượt xem số cây về phần phủ, huyện, tổng, làng nào, có mấy hạng, bao nhiêu cây? Có tổn thất gì không? Từ đó, làm danh mục gửi báo cáo lên Bộ Công.
“Tôi nghĩ thường thường trồng bổ sung như thế, nơi nơi đều có chăm nom, dân có chuyên trách, quan có kiểm tra, không có lỏng lẻo mà cũng không để quá gấp rút. Cứ thế, sau 10 năm, gỗ dùng sao cho xiết”, Nguyễn Thông kết thúc lời điều trần.