Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của UBND xã Đắk Gằn, Trạm Khuyến nông huyện Đắk Mil và các ban nghành đoàn thể đã hướng dẫn cho nhiều hộ nông dân trong xã chuyển đổi những diện tích cây trồng cà phê, ngô và hoa màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả như: xoài, na, cam, quýt. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm cung ứng trên thị trường mà còn giúp cho nhiều hộ nông dân trở nên khấm khá.
Điển hình là hộ anh Vũ Thanh Khuê ở thôn Sơn Thượng, xã Đăk Gằn, huyện Đăk Mil. Với diện tích 1 ha đất, trước đây gia đình anh trồng điều nhưng do điều canh tác nhiều năm cây già cỗi và đất bạc màu nên thu nhập không đáng kể. Trước thực trạng đó, đầu năm 2010, anh quyết định chặt bỏ điều để trồng thử quýt đường. Anh đã đến thăm các hộ trồng cây ăn trái ở các tỉnh lân cận để tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc quýt đường. Để có giống tốt, anh Khuê đã xuống Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam mua về hơn 500 cây quýt đường trồng trên 0,5 ha đất của gia đình. Sau hơn 2 năm trồng đến nay quýt cho thu hoạch và bắt đầu bước vào giai đoạn kinh doanh, năng suất trung bình đạt 100 kg/cây/năm. Nhận thấy trồng quýt có hiệu quả, năm 2014, anh Khuê tiếp tục đầu tư trồng tiếp 250 cây cam xen xoài trên diện tích còn lại của gia đình.
Anh Khuê đang chăm sóc vườn quýt
Anh Khuê cho biết: “Quýt đường khó trồng hơn một số loại cây ăn quả khác, mẫn cảm với thời tiết và dễ nhiễm sâu bệnh. Đầu tư ban đầu khá cao lại nhiều rủi ro. Vì vậy, cần phải có chế độ chăm sóc hợp lý. Để phòng bệnh hiệu quả, trong quá trình trồng phải tuân thủ chặt chẽ khâu chọn giống, thường xuyên theo dõi phát hiện sâu, bệnh sớm để kịp thời ngăn chặn, bón phân phải theo chu kỳ, dựa vào độ tuổi và sự tăng trưởng của cây”. Để quýt sinh trưởng tốt cho năng suất cao, anh Khuê áp dụng biện pháp canh tác bền vững, kết hợp bón phân hóa học và hữu cơ ủ hoai, sử dụng phân chuồng, vỏ cà ủ với men vi sinh Trichoderma. Cứ 2 tháng bón 1 lần nhằm bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Hàng năm anh bón bổ sung phân vi lượng cho quýt như Zn, Mg, Mn nhằm giảm hiện tượng rụng quả.
Cùng theo anh Khuê: “Thực hiện việc bón đón hoa kết hợp với phun phân bón là góp phần tích cực hạn chế rụng quả sau này. Ngoài ra sau khi thu hoạch cần cắt tỉa bỏ bớt các cành già bên trong tán không có khả năng cho trái, cành vượt, cành bị sâu bệnh, cành đã mang trái để cây tập trung dinh dưỡng cho cây, tăng diện tích lá hữu hiệu, tăng khả năng quang hợp của bộ lá, duy trì sức sống tốt cho cây, bảo đảm sự cân bằng giữa sinh trưởng và ra hoa kết trái và tạo cho vườn cây luôn được thông thoáng, khô ráo, hạn chế bớt tác hại của sâu bệnh, nhất là một số bệnh có liên quan chặt chẽ đến điều kiện ẩm ướt như bệnh thối gốc chảy mủ, bệnh đốm đồng tiền… Tạo tán là việc làm cần thiết nhằm tạo cho cây có bộ khung cơ bản, vững chắc, từ đó phát triển các cành nhánh thứ cấp. Cây quýt cần nhiều nước nên việc tưới tiêu rất quan trọng. Đặc biệt vào mùa khô, nếu thiếu nước cây sẽ không phát triển. Ngoài ra cần cung cấp đủ canxi để cây giải độc, tăng khả năng chống chịu khi thời tiết thay đổi”.
Nhờ đầu tư, chăm sóc đúng kỹ thuật mà quýt phát triển tốt, quả nhiều và vị ngọt thanh, năng suất trung bình đạt 100 kg/cây, bán với giá 20.000 đồng/kg. Với diện tích 0,5 ha, mỗi năm anh Khuê thu lãi hơn 100 triệu đồng. Theo đánh giá của anh Khuê hiện nay nhu cầu tiêu thu quýt trên địa bàn cung vẫn chưa đủ cầu, chủ yếu vẫn dụa vào nguồn hàng từ các tỉnh miền Tây cho nên việc tiêu thụ quýt rất thuận lợi.
Bà Trần Thị Khương, Khuyến nông viên xã Đăk Gằn cho biết, mô hình nhà anh Vũ Thanh Khuê là mô hình trồng quýt đầu tiên tại xã nhà, bước đầu cho thấy cây quýt rất phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương nên quả to và ngọt. Thời gian tới chính quyền xã nên khuyến khích động viên các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đang canh tác điều và cà phê kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng cây ăn quả như mô hình nhà anh Khuê.