Là một ngành công nghệ còn non trẻ nhưng công nghệ nano đã được ứng dụng vào sản xuất, giúp bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, công nghệ này đang được xem là giải pháp quan trọng giúp ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt phát triển bền vững hơn
|
Khách hàng BR-VT tìm hiểu các sản phẩm thuốc trừ sâu Vinana 1, 2, 3 công nghệ nano. |
Công nghệ nano được hiểu là công nghệ sử dụng các hạt có kích thước siêu nhỏ, đo bằng đơn vị nanomét. Nhờ đó, các hạt này có thể thẩm thấu sâu và giải quyết tận gốc các vấn đề; khi gặp các vi khuẩn, virus thì tương tác với lớp protein trên bề mặt vi khuẩn, virus rồi từ đó phá hủy mảng tế bào, làm ức chế sự phát triển và tiêu diệt chúng; giúp nâng cao hiệu suất quang hợp, giúp lá xanh, dày, thân mập, khỏe, tăng năng suất và chất lượng hoa, quả…
Hai vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2015, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền) đã sử dụng phân bón nano thử nghiệm trên diện tích 5ha trồng lúa. Kết quả thu được, cứ 1ha sử dụng phân bón nano cho năng suất 6 tấn, cao hơn 1 tấn so với sử dụng phân bón thông thường trên cùng một diện tích. Ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ An Nhứt cho biết, sau 2 vụ trồng lúa thử nghiệm sử dụng phân bón nano cho thấy, từ khi gieo sạ đến lúc thu hoạch, mỗi vụ lúa (khoảng 90-95 ngày) không xảy ra dịch bệnh, đất ruộng được cải tạo tốt, rơm phân hủy nhanh hơn, nông dân không cần phải xịt các loại thuốc hóa học, giảm khoảng 60kg urê bón cho cây như phương pháp trồng lúa thông thường, đặc biệt, năng suất của lúa tăng lên. “Hiện chúng tôi đang thử nghiệm sử dụng phân bón nano để trồng 1ha lúa nữa trong vụ Đông Xuân sắp tới. Sau vụ này, chúng tôi sẽ phổ biến rộng rãi cho toàn thể xã viên của HTX để trồng 222ha lúa” - ông Thành nói.
Câu chuyện của HTX Nông nghiệp - Dịch vụ An Nhứt là một minh chứng cho thấy hiệu quả của việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) công nghệ nano sử dụng trong nông nghiệp. Tại hội thảo “Công nghệ nano ứng dụng vào sản xuất và đời sống” do Sở KH-CN vừa tổ chức vào trung tuần tháng 12, nhiều sản phẩm công nghệ nano dùng trong nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu đã được trưng bày, giới thiệu thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ông Dương Tấn Linh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết: “Sau khi nghe giới thiệu về công nghệ nano ứng dụng trong nông nghiệp, tôi muốn tìm hiểu các sản phẩm phân bón rễ và phân bón lá công nghệ nano dùng cho lúa và cây ăn trái. Tôi muốn thử nghiệm các sản phẩm này để về phổ biến cho bà con nông dân”. Theo ông Linh, giá thành phân bón rễ và phân bón lá công nghệ nano là 425.000 đồng/5 lít, có thể sử dụng cho diện tích 1.000m2. Nếu tính ra, chi phí đầu tư ban đầu cao hơn các loại phân bón thông thường khoảng 10-20%, nhưng các loại phân bón nano lại có khả năng xử lý đất nhiễm phèn rất tốt, giúp ổn định độ pH trong đất; xử lý phân hủy các độc tố tồn dư gây ngộ độc chất; trên nền đất cải tạo trở nên tơi xốp hơn, không làm cản trở lượng oxy hòa tan vào môi trường đất và nước; giúp bộ lá tăng sức kháng lại nấm bệnh, vi khuẩn, vi rút… Như vậy, về mặt lâu dài, các sản phẩm này sẽ giúp người nông dân phát triển bền vững hơn.
|
Sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật Nano trong trồng tiêu giúp tăng năng suất và bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Chăm sóc cây tiêu tại huyện Châu Đức. |
Mới đây, tại chương trình “Kết nối cung - cầu công nghệ Nam bộ năm 2015” tại TP. Vũng Tàu và hội thảo “Công nghệ nano ứng dụng vào sản xuất và đời sống”, Viện Công nghệ sinh học và môi trường đã giới thiệu đến người dân BR-VT các sản phẩm thuốc trừ sâu Vinana 1, 2, 3 công nghệ nano có tác dụng tăng cường hệ vi sinh vật, phòng trị nấm bệnh, tuyến trùng, rệp sáp, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu, bệnh vàng lá cà phê… Các sản phẩm này được bán với giá 380.000 đồng/lít. Theo đó, 1 lít sản phẩm này có thể sử dụng cho 1ha bón cho cây công nghiệp và 0,3l/lít cho 1ha đối với cây ngắn ngày và cây hoa màu. Thạc sĩ Trương Hồng Hà, Trưởng Phòng chuyển giao công nghệ sinh học và môi trường (trường Đại học Tây Nguyên, Viện Công nghệ sinh học và môi trường) cho biết: “BR-VT đang phát triển mạnh diện tích hồ tiêu. Nếu không có giải pháp căn cơ ngay từ đầu thì diện tích trồng hồ tiêu sẽ khó phát triển bền vững. Do đó, xu hướng sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu công nghệ nano trên cây hồ tiêu nhằm đạt năng suất cao hơn 30-40%, tiết kiệm chi phí từ 25-30% chi phí chăm sóc; sức khỏe cây hồ tiêu cũng được cải thiện, bền vững và không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của nông dân… là việc mà BR-VT cần tính đến”.
Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, BR-VT đang hướng người nông dân đến việc sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV công nghệ nano trong trồng trọt để làm tăng tốc độ sản xuất và năng suất; giảm thiểu chất thải sản xuất để bảo vệ môi trường.
Công nghệ nano dùng trong nông nghiệp có tác dụng tăng cường hiệu quả sử dụng cho các yếu tố đầu vào (giống, phân bón, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu). Việc áp dụng những nguyên tắc cơ bản của công nghệ nano vào khoa học nông nghiệp nhằm mục đích phát triển những quy trình và sản phẩm, phân phối nguyên liệu đầu vào, thúc đẩy năng suất mùa vụ mà không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. |