GiadinhNet – “Đây là vấn đề đòi hỏi có thời gian để xác định khoa học. Ở thế giới từng có trường hợp tương tự phải mất vài năm để tìm nguyên nhân”, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho hay.
Tìm đến xã Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sau hơn 20 ngày kể từ khi xảy ra hiện tượng cá biển chết hàng loạt, hàng ngàn hộ dân ở vẫn chưa biết xoay sở ra sao để lo cho cuộc sống của gia đình. Người dân nơi đây sống chủ yếu vào nghề đánh bắt.
Khu vực đánh bắt cá của xã Kỳ Lợi nằm không xa khu công nghiệp Formosa - nơi có đường ống xả thải đã được cơ quan chức năng cấp phép.
Do không còn cá để đánh bắt và người tiêu dùng không mua cá biển nên hàng loạt gia đình cất lưới, nghỉ ra khơi.
Nhiều người ở đây hiện giờ sống dựa vào việc câu mực.
Tuy nhiên số mực đánh bắt được cũng không nhiều.
Nhiều ngư dân cho biết, nếu ra khơi đánh bắt được ít cá, sau đó về lại không tiêu thụ được thì lỗ nặng nên họ đành cắt lưới chờ đến khi vụ việc được sáng tỏ.
Anh Mai Xuân Lý cho biết, ngày trước, mỗi ngày đi biển, anh thu được 500.000 đến 1 triệu đồng, ngày nhiều được cả gần chục triệu đồng. Tuy nhiên, từ ngày cá chết, đi biển cả ngày cũng không được nổi 100.000 đồng mà chi phí xăng dầu, ăn uống đã mất khoảng 400.000 đồng/người.
Ngư dân Lê Lâm (xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh) cho biết, từ ngày nghỉ ra khơi hôm nào ông cũng bế cháu ra biển chơi cho khỏi nhớ biển. Cuộc sống của cả gia đình ông trông chờ vào những chuyến ra khơi. Ông hy vọng nhà nước sớm tìm ra nguyên nhân để ông tiếp tục dược mưu sinh.
Cá biển vẫn là nguồn thức ăn chính của nhiều hộ dân nơi đây.
Ngư dân nơi đây đáng ngóng trông một kết luận từ cơ quan chức năng để tiếp tục được ra khơi.