Năm 1994 gia đình ông Vầy mua lại 5 sào tiêu đang ở tình trạng sinh trưởng kém, vườn tiêu già cỗi, năng suất thấp… Tuy nhiên có những năm tiêu mất mùa, rớt giá nên hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp, đời sống của gia đình gặp nhiều khó khăn, trong lúc đó phải nuôi 8 đứa con ăn học. Đã có lần ông bàn với vợ phá vườn tiêu để trồng cao su như những hộ gia đình khác vì lúc này cây cao su là “vàng trắng” trên đất Trung Hóa, trồng cao su cũng là một phương án đầy tính khả thi.
Tuy nhiên, cứ mỗi lần ra vườn tiêu chăm sóc là ông lại băn khoăn, đất Trung Hóa là đất trồng tiêu từ bao đời nay, giống tiêu Vĩnh Linh cũng là giống tiêu tốt, có thương hiệu trong Nam ngoài Bắc ai cũng biết. Và rồi ông nghĩ tại sao không đầu tư thâm canh tăng năng suất để đem lại hiệu quả kinh tế cao… Từ đó, ông quyết tâm mua thêm 5 sào đất đề tiếp tục trồng tiêu.
Vườn tiêu của gia đình ông Cao Xuân Vầy, thôn Liêm Hóa 2, xã Trung Hóa
Ông Vầy cho biết để có được kết quả như ngày hôm nay, ông đã được Hội Nông dân đào tạo nghề về trồng và chăm sóc cây tiêu. Chưa dừng lại ở đó, ông đến tận huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai để tham quan, học hỏi thêm kinh nghiệm. Được tận mắt chứng kiến những vườn tiêu xanh tốt, khi trở về ông đã mạnh dạn xây dựng mô hình trồng tiêu bền vững.
Sau hơn 20 năm gắn bó với cây tiêu, với những kinh nghiệm có được cùng với áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật một cách nghiêm ngặt, vườn tiêu của ông ngày càng xanh tốt, phòng trị được bệnh chết nhanh và chết chậm, năng suất ngày càng được nâng cao. Trước năm 2010, vườn tiêu của gia đình chỉ đạt 5 - 7 tạ/ha, đến năm 2011- 2012 đạt từ 1- 1,5 tấn/ha, năm 2013 năng suất đạt 2 tấn/ha. Bên cạnh việc bán hạt tiêu khô, ông còn bán giống cây tiêu cho các hộ khác trong và ngoài tỉnh, mỗi năm thu về từ 50 -70 triệu đồng.
Với ý chí và quyết tâm cao, không cam chịu đói nghèo, chung thủy với cây tiêu, loài cây của cha ông để lại, cây tiêu đã không phụ lòng ông, giúp gia đình ông vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên chính quê hương mình. Ông được Hội Nông dân huyện công nhận “Hộ sản xuất giỏi cấp cơ sở”.
Ông cũng mong muốn các cơ quan chức năng của huyện sớm xây dựng thương hiệu cây hồ tiêu Minh Hóa, để làm cơ sở ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; quy hoạch vùng trồng tiêu để có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng KHKT; nông dân được học nghề trồng tiêu một cách bài bản, lành nghề, nắm bắt thông tin thị trường để khỏi bị tư thương ép giá./.