Ông Dũng chia sẻ, năm 2009 là năm đầu tiên ông nuôi tôm chân trắng. Khi đó thấy anh em, bạn bè nhờ nuôi tôm mà kinh tế gia đình trở nên khá giả, giàu có nên ông đã tìm tới để học hỏi cách nuôi, cách làm ao hồ… Mặc dù lúc đó gia đình ông đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do thất bại trong buôn cá và đầu tư mua tàu, mua lưới làm nghề đánh bắt… Thời điểm quyết định nuôi tôm, gia đình ông chỉ còn lại quyển sổ đỏ là tài sản lớn nhất để mang đi thế chấp vay tiền. Nhờ “trời thương”, vụ nuôi tôm đầu tiên ông đã thành công và thu lãi gần 100 triệu đồng. Gia đình ông rất mừng, phấn khởi, như tiếp thêm nguồn động lực giúp ông mạnh dạn hơn trong việc đầu tư nuôi tôm. Đến nay, hầu như năm nào hồ tôm của ông cũng có lãi, không nhiều thì ít, nhất là năm vừa rồi, lợi nhuận thu về trên cả tỉ đồng.
Ông cho biết, vì là “tay ngang” tập tành nuôi tôm nên ông không ngần ngại tìm đến những người nuôi nhiều kinh nghiệm để mạnh dạn học hỏi kĩ thuật, cách làm của họ. Những lúc tôm nuôi bị bệnh ông luôn tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách khắc phục. Bên cạnh đó, ông còn tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Phú Yên tổ chức và tìm hiểu thêm qua tờ rơi kĩ thuật… Vừa làm vừa học hỏi, vừa đúc kết kinh nghiệm, cùng sự cần mẫn, chịu khó, chịu khổ của mình nên việc nuôi tôm chân trắng đã mang lại lợi nhuận cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giúp gia đình ông không những thoát khỏi hộ nghèo của xã, trả được nợ ngân hàng mà còn xây dựng được nhà cửa khang trang, cuộc sống gia đình ông không còn phải bôn ba nữa.
Ông chân thành tâm sự: “Có được kinh nghiệm hay, cách nuôi tốt, ai cần là tôi hướng dẫn hết. Ngày trước tôi cũng tự mày mò, học hỏi anh em, bạn bè để làm; vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nghề này phải chịu khó, làm đêm làm hôm, thường xuyên theo dõi con tôm, nhất là khâu cho ăn…”.
Ông Dũng cũng cho biết, ông đầu tư rất nhiều vào con tôm như chấp nhận mua con giống với giá cao hơn, miễn là giống tôm đạt chất lượng, được kiểm nghiệm và có nguồn gốc rõ ràng. Suốt mấy năm nuôi tôm, hầu như ông đều chọn mua con giống của Công ty Việt Úc ở tỉnh Bình Thuận. Nuôi tôm trên cát bằng phủ bạt nên việc vệ sinh hồ cũng nhẹ nhàng, không đòi hỏi nhiều công lao động cũng như chi phí.
Không ngần ngại, ông nói về “bí quyết”: Sau khi thu hoạch tôm, hồ nuôi phải được vệ sinh bằng cách rửa bạt thật sạch, rồi cho nước ngọt và mặn pha chung đảm bảo độ mặn từ 20‰ – 25‰ để xử lý hồ, đồng thời dùng vôi để diệt khuẩn. Sau đó, ông dùng thuốc gây tảo trước khi thả tôm xuống nuôi vụ sau. Theo ông Dũng, tảo là thức ăn rất tốt cho tôm khi còn nhỏ, cho tôm ăn tảo tôm sẽ nhanh lớn và ít bệnh. Đặc biệt, suốt những năm nuôi tôm, ông chưa lần nào dùng hóa chất và kháng sinh mà chủ yếu chỉ dùng phân vi sinh. Để khẳng định lời mình nói là đúng, ông Dũng còn nhiệt tình cho chúng tôi xem nơi chứa những vỏ bao bì, nhãn hiệu của các loại thuốc, thức ăn mà ông đã dùng để nuôi tôm như: Navin, Bcomplex, vitaminC, brio… Phần nhiều là thuốc bổ để phòng bệnh hay tăng sức đề kháng cho tôm, các loại thuốc đều nằm trong danh mục cho phép sử dụng.
Với thành quả lao động của mình, ông Dũng đã được Hội Nông dân thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên biểu dương là “Nông dân sản xuất giỏi” tại Hội nghị “Nông dân điển hình tiên tiến giai đoạn 2011-2015”.