Dẫn lớp học đến tham quan trang trại của anh, khi vừa bước xuống xe, khó ai có thể nhận ra đó là cơ sở chăn nuôi heo mà ngỡ đó là quán cà phê hay nhà ở, bởi đập vào mắt mọi người là một cơ sở khang trang, xung quanh là những hàng dừa xanh ngắt, lại không có mùi hôi như những cơ sở nuôi heo khác.
Trang trại nuôi heo của anh Tuấn
Thời điểm lớp học tham quan trang trại heo của anh Tuấn năm 2015 mới chỉ có 20 nái ngoại nhập từ Mỹ. Đầu năm 2016 anh đã nhập thêm 20 con nữa. Đây là giống heo được chọn lọc theo tiêu chuẩn của công ty GreenFarm Asia và công ty PIC của Mỹ có chất lượng rất cao, toàn bộ được gắn chip, có mã số nên cơ sở cung cấp giống từ nước ngoài vẫn theo dõi được quá trình phát triển của heo. Trang trại được trang bị hệ thống máy lạnh khép kín, bởi nhiệt độ lý tưởng nhất để giống heo này phát triển là từ 25-29 độ C. Heo sống trên nền cao ráo, sạch sẽ.
Trò chuyện với tôi, anh Tuấn cho biết: “Để có được cơ sở chăn nuôi hiện đại như thế này, tôi đã huy động rất nhiều nguồn lực từ phía bạn bè, gia đình. Nhờ bạn bè giới thiệu, dẫn tôi đi tham quan những cơ sở chăn nuôi lớn tại Bình Định, Bình Dương, Sài Gòn… để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức, quy trình nuôi mới. Gia đình đã ủng hộ nguồn lực, đặt niềm tin gom 10 sổ đỏ để tôi vay ngân hàng”. Tổng chi phí anh xây dựng chuồng trại, lắp đặt hệ thống giàn lạnh… khoảng 1,5 tỷ đồng, nhập 40 lợn nái giống PIC khoảng 400 triệu đồng.
Anh Tuấn (áo trắng) đang giới thiệu giống heo nái ngoại cho Giám đốc Trung tâm KNNL Đà Nẵng
Anh Tuấn cho biết heo lúc mới nhập về trọng lượng bình quân 40 kg/con. Đến nay 20 con heo nái nhập lần đầu trọng lượng đã xấp xỉ 400kg/con, 20 con nhập về sau hiện vẫn còn ở trại hở để chăm sóc, khi heo đạt trọng lượng 120 đến 150kg/con sẽ cho vào trại lạnh. Chị Hương, vợ anh Tuấn cho hay, 1 con heo nái bình quân một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa bình quân 15 con, sau 4,5 tháng nuôi đã có trọng lượng khoảng 130 kg/con (đối với nuôi truyền thống khoảng 5,5 tháng), giá bán 47.000 đồng/kg. Như vậy tổng doanh thu năm 2015 từ bán heo thịt của anh Tuấn khoảng 3 tỷ đồng, sau khi trừ tất cả các chi phí, lãi ròng khoảng 400 triệu đồng.
Theo anh Tuấn, nuôi lợn bằng hệ thống sàn lạnh này rất khỏe, không tốn công chăm sóc, mỗi ngày chỉ cho lợn ăn 2 lần, dùng máng ăn tự động để cho lợn ăn. Hàng ngày, cứ 6 giờ sáng là anh bắt đầu bỏ thức ăn vào máng, đến chiều khi hết thức ăn thì bỏ tiếp vào. Tuy nhiên, cần cho ăn lượng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển để lợn tăng trưởng tốt nhất.
Hệ thống chuồng trại được làm khép kín, để đảm bảo chuồng trại không có mùi hôi đặc trưng trong chăn nuôi lợn, anh Tuấn đã tự thiết kế hệ thống xử lý chất thải.
Được biết cả 2 vợ chồng anh Tuấn – chị Hương đều tốt nghiệp Đại học. Anh Tuấn sinh năm 1982, hiện đang công tác tại Hội chữ thập đỏ xã Hòa Khương. Chị Hương sinh năm 1986 hiện đang phụ giúp chồng chăm sóc, quản lý đàn heo. Hai vợ chồng khởi nghiệp chăn nuôi heo từ năm 2007. Sau nhiều lần thất bại do phương pháp chăn nuôi heo truyền thống bấp bênh bởi bệnh tật, không lợi nhuận, năm 2011 anh đã bắt đầu chuyển sang hướng chăn nuôi hiện đại, công nghiệp.
Trang trại của anh Tuấn đã tiếp rất nhiều đoàn tham quan học tập trong và ngoài nước. Cuối năm 2015 anh đã tiếp đoàn lãnh đạo các Sở Nông nghiệp của một số tỉnh của Thái Lan sang tham quan.
Tháng 6/2015 anh vịnh dự được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc tại Hà Nội. Anh là 1 trong 150 nhà nông tiêu biểu trẻ được tuyên dương vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ, kỹ thuật, công nghệ phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Vừa qua, anh Tuấn đã viết dự án “Chăn nuôi heo công nghệ theo quy trình công nghệ khép kín - lạnh” với quy mô 625 nái, diện tích 5ha. Hiện dự án vẫn đang chờ phê duyệt của UBND thành phố Đà Nẵng.
Anh Tuấn tại lễ trao giải thưởng Lương Định Của năm 2015