Được biết ông Huyến sinh ra tại Đông Hưng, Thái Bình. Năm 1975 ông cùng gia đình lên Lai Châu xây dựng vùng kinh tế mới, năm 1983, ông tham gia quân đội bảo vệ biên giới phía Bắc. Đến 1987 ông phục viên về địa phương lập gia đình. Gia đình thuần nông, cuộc sống gặp quá nhiều khó khăn. Bao tháng ngày trăn trở, học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế, năm 1998, ông quyết định đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình VAC trên diện tích đất vườn, ruộng của gia đình.
Với diện tích ao 2.200 m2, ông nuôi các loại cá thương phẩm như: rô phi, trắm cỏ, chép lai… là các giống cá có thời gian thu hoạch ngắn, khỏe mạnh và thích hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương. Ông Huyến rất chú trọng đầu tư về thức ăn và áp dụng khoa học kĩ thuật nên cá lớn nhanh. Cá rô phi có con nặng đến 1,5 kg. Bình quân mỗi lứa cá ông thu về gần 3 tấn cá, mỗi năm nuôi 2 lứa, gia đình ông thu gần 100 triệu đồng.
Tận dụng nguồn nước và mặt ao, ông đầu tư xây hệ thống chuồng kiên cố hai bên bờ kết hợp nuôi vịt đẻ. Hiện nay đàn vịt đẻ gần 1.500 con, lúc đẻ rộ mỗi ngày được trên 1000 quả trứng. Một nửa số trứng trên ông đem bán, một nửa còn lại được ông chọn lọc cho vào máy ấp luân phiên và bán con giống phục vụ cho bàn con trong vùng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi vịt, ông Huyến cho biết: “Nuôi vịt đẻ trứng rất khó, phải nắm vững kỹ thuật, chú trọng khâu chọn giống, chăm sóc cũng như phòng trừ dịch bệnh, quan trọng nhất là khâu chọn giống. Nếu chọn được con giống tốt sẽ cho sản lượng trứng cao. Đặc biệt lưu ý, trong quá trình vịt đẻ phải cung cấp đủ dinh dưỡng cho vịt. Ngoài việc tiêm phòng định kỳ thì không được tiêm bất cứ một loại kháng sinh nào vì làm như vậy vịt sẽ ngừng đẻ”.
Mô hình VAC của ông Nguyễn Văn Huyến cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm
Bên cạnh đó ông còn nuôi thường xuyên mỗi lứa 200 con gà thịt, mỗi năm xuất ra thị trường gần 1 tấn gà thịt thương phẩm. Ngoài ra với diện tích gần 2500 m2 đất vườn thuận lợi về nguồn nước cũng như tận dụng thời gian, gia đình ông canh tác trồng các loại rau có giá trị kinh tế cao như: súp lơ xanh, su hào, đậu Hà Lan. Nguồn rau ấy gia đình bán đổ cho người buôn các chợ, phần dư thừa tận dụng làm thức ăn cho trâu, gà, cá, lợn.
Việc tận dụng tốt diện tích mặt nước cũng như chu trình khép kín trong hệ vườn ao chuồng nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Đặc biệt ông luôn chú trọng áp dụng kỹ thuật phòng ngừa dịch bệnh nên mô hình chăn nuôi luôn phát triển thuận lợi, ít xảy ra bị dịch bệnh. Mỗi năm mô hình VAC cũng đem lại cho gia đình thu nhập gần 300 triệu đồng. Thấy được hiệu quả từ mô hình VAC của gia đình ông một số ở lân cận đã sang học hỏi kinh nghiệm luôn được ông sẵn sàng chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hà Thị Bích Nhung - phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: “Anh Huyến là một cựu chiến binh gương mẫu, nhiệt tình trong phong trào của địa phương, quyết tâm và nỗ lực, không lùi bước trước khó khăn, vươn lên xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả cao. Anh thật xứng đáng là người lính Cụ Hồ, là một tấm gương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi để mọi người học tập và làm theo”.