Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con nông dân xã Phú Hữu đã chọn giống cây đu đủ để “lấy ngắn nuôi dài” cũng như cách ly dịch bệnh cho cây có múi. Điển hình như hộ anh Nguyễn Thanh Tiền ở ấp Phú Lợi, xã Phú.
Năm 2015 anh Tiền mạnh dạn đốn bỏ cây cam sành bị bệnh để có thời gian cách ly mầm bệnh cây có múi anh chuyển sang trồng cây đu đủ. Bước đầu anh trồng thử nghiệm 1000m2 khoảng 200 cây. Nhờ chăm sóc đúng cách mà cây phát triển tốt, cho năng suất cao đạt 30- 40 kg/cây. Bán tại vườn với giá bình quân 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh còn lãi khoảng 20 triệu đồng.
Vườn đu đủ của anh Tiền
Thấy trồng đu đủ cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nhà vườn lân cận cũng đầu tư trồng. Anh Tiền cho biết sau khi trồng được 7 tháng thì cây cho năng suất ổn định, bình quân 7 ngày thu hoạch 1 lần. Đu đủ anh trồng là giống da xanh ruột vàng, đây được xem là cây trồng ngắn ngày, trái dễ tiêu thụ với đặc điểm trái to, vỏ bóng và nặng ký. Khi chín, đu đủ có ruột vàng, dày cơm, ít hạt, vị ngọt thanh, vì thế được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Một lợi thế nữa là đu đủ ruột vàng có vỏ cứng, thuận lợi cho việc vận chuyển đi xa.
Khi trồng giống đu đủ này không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, ít tốn công chăm sóc. Tuy nhiên để cây phát triển tốt và cho năng suất cao đòi đất phải tơi xốp, đặc biệt khi trồng phải đấp mô, sau đó bón lót phân chuồng ủ hoai rồi trồng. Khi cây bắt đầu ra hoa cần phun ngừa thuốc trừ nhện kết hợp phân bón lá, quan trọng khi cây đậu trái nên tăng lượng phân bón lá và bón ít phân NPK để nuôi trái, cắt tỉa trái xấu để cây tập trung nuôi trái đẹp, một cây ra khoảng 30 trái là đạt yêu cầu. Nhờ nắm vững các quy trình kỹ thuật mà vườn đu đủ của anh luôn xanh tốt và cho năng suất ổn định.
Cách làm của anh Tiền là một hướng đi phù hợp, người dân lân cận có điều kiện cần tham quan học hỏi để áp dụng, nhằm mang lại lợi ích kinh tế cao cho gia đình.