Hiện nay, trên tuyến đường ven biển từ TP.Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc có nhiều bãi tắm tự phát. Việc tắm biển, vui chơi ở các bãi tắm này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cũng như nảy sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự.
Có mặt tại bãi biển cạnh KDL Đèo Nước Ngọt (giáp ranh giữa hai huyện Long Điền và Đất Đỏ) cuối tuần qua, chúng tôi ghi nhận từ 7 giờ sáng, nhiều đoàn khách đã kéo nhau xuống tắm biển, bất chấp tấm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, cấm tắm biển được lắp dựng ngay cạnh đó. Khi được hỏi, tại sao khu vực này đã cấm tắm biển mà vẫn xuống tắm, anh Hoàng Minh (1465/7/8 Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP.Hồ Chí Minh) trả lời: “Chúng tôi đi du lịch “bụi”. Bãi tắm này khá đẹp, thấy nhiều người tắm thì chúng tôi cũng xuống tắm. Tắm ở đây chúng tôi không mất tiền, trong khi vào các KDL lại phải tốn tiền mua vé vào cổng, gửi xe, thuê ghế bố, dù…”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bãi biển ở đây có nhiều đá, dễ trơn trượt và có các ao xoáy. Thực tế đã từng xảy ra nhiều vụ đuối nước tại khu vực này. Mới hồi tháng 1-2016, ba du khách tắm biển tại đây đã bị đuối nước và tử vong. Để hạn chế rủi ro cho người dân và khách tắm biển, Ban quản lý các KDL hai huyện Long Điền, Đất Đỏ đã lắp đặt các biển cấm tắm biển nhưng nhiều người vẫn bất chấp cảnh báo. Cùng với nguy cơ mất an toàn cho người tắm biển, tại khu vực này còn phát sinh các dịch vụ ăn theo phục vụ khách như: ăn uống, buôn bán, trông giữ xe. Sau khi ăn uống, nhiều du khách còn xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.
Bãi biển Đèo Nước Ngọt trở thành bãi rác do du để lại sau mỗi kỳ nghỉ.
Tại TP.Vũng Tàu các bãi biển như: Bãi Trước, Bãi Dâu, Bãi Dứa, khu vực cạnh bến tàu cánh ngầm và một số khu vực khác dọc đường ven biển Quang Trung - Hạ Long cũng được nhiều người dân và du khách chọn làm nơi tắm biển. Nhiều người, đặc biệt là trẻ em, chỉ sử dụng dụng cụ hỗ trợ bơi đơn giản như miếng xốp, chiếc can, bình nhựa... nhưng bơi ra xa bờ hàng trăm mét. Nhiều em nhỏ còn trèo lên các mỏm đá rồi thi nhau nhảy xuống biển, rất nguy hiểm.
Do là bãi tắm tự phát nên các bãi tắm này không có lực lượng cứu hộ, cứu nạn, cũng không có cờ cảnh báo khu vực nguy hiểm, hay cảnh báo ao xoáy. Khi tắm tại đây, người tắm biển không thể biết được độ nông sâu, có ao xoáy hay không nên đối diện với nhiều nguy hiểm. Nhiều người đều biết rõ điều đó, nhưng rất chủ quan. Một số khác thì viện lý do rằng, khu vực này gần nhà, lối lên xuống thuận tiện, ít người tắm, biển sạch nên xuống tắm. Đặc biệt, việc tắm biển ở các bãi tắm tự phát cũng tạo nên những cảnh nhếch nhác phản cảm, nhất là ở những khu vực gần các tuyến đường du lịch của thành phố.
Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Ban quản lý các KDL TP.Vũng Tàu cho rằng, người có nhu cầu tắm biển nên chọn những bãi tắm có các DN khai thác, quản lý, vừa để đảm bảo an toàn tính mạng vì có lực lượng cứu hộ chốt trực, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Khi tắm biển cần trang bị dụng cụ hỗ trợ như phao bơi và không nên ra những khu vực nguy hiểm để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Về lâu dài, các địa phương cần quy hoạch bãi tắm công cộng căn cứ vào sự phân bố dân cư. Khi người dân địa phương có nơi tắm biển tập trung, Ban quản lý các KDL cũng dễ dàng có phương án quản lý, giữ gìn và cắt cử lực lượng cứu hộ túc trực để bảo đảm an toàn.
Những hình ảnh nhếch nhác, phản cảm tại bãi tắm tự phát khu vực Bãi
Dứa (trước Niết Bàn Tịnh xá, đường Hạ Long, TP.Vũng Tàu).
Bài, ảnh: AN NHẬT