Những năm qua, nông dân huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã đầu tư phát triển nghề trồng kiệu nhằm giải quyết việc làm và mang lại nguồn lợi kinh tế trên vùng đất nhiễm phèn này. Toàn huyện trồng trên 130 hecta kiệu, tập trung nhiều tại xã Phú Hiệp, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Cường, thị trấn Tràm Chim và Phú Thành B.
Vụ kiệu mùa năm nay, nhiều thương lái ở trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp đến tận nơi thu mua với giá dao động 10.000 đồng/kg củ kiệu tươi và khoảng 30.000 đồng/kg củ kiệu khô để tiêu thụ tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng… Như vậy, giá bán tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái nên người trồng kiệu ở huyện Tam Nông, sau khi bán xong, trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng/công (nếu là đất và vốn nhà), còn thuê đất và vay vốn thì lãi dao động mức 10 triệu đồng/công.
Thu hoạch kiệu tại Tam Nông
Bà Trương Thị Mỹ Phước ở ấp K10, xã Phú Hiệp vừa mới thu hoạch 3 công kiệu được hơn 15 tấn củ kiệu tươi. Bán cho thương lái với giá 10.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, gia đình bà Phước còn lãi hơn 60 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hòa ở ấp K10, xã Phú Hiệp đã có nhiều năm trong nghề này cho biết: “Năm nay, tôi trồng được 5 công kiệu mùa. Tôi bán cho thương lái được tổng cộng là 27 tấn. Bình quân mỗi một công là 5 tấn rưỡi. Tôi bán cho thương lái giá 10.000 đồng/kg, thu nhập 270 triệu. Trừ chi phí mỗi một công là 30 triệu, tôi còn lãi là 120 triệu. So với năm ngoái giá kiệu tươi năm nay cao hơn 2.000 đồng. Bà con nông dân trồng kiệu rất phấn khởi. Tôi tính mở rộng diện tích trồng kiệu thêm để thu nhập thêm cho gia đình”.
Muốn trồng một công kiệu, người nông dân phải đầu tư trên 20 triệu đồng để mua kiệu giống, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu bơm nước tưới, cỏ hoặc rơm khô để phủ gốc kiệu và thuê nhân công trồng kiệu... Chăm sóc kiệu cũng rất công phu - nhất là việc canh nước khi mới xuống giống kiệu. Nếu để thiếu nước, đất khô, kiệu sẽ không lên mầm được; còn để nhiều nước, kiệu sẽ bị ngập úng, thối giống. Trước khi trồng, đất phải được cày ải, phơi khô và lên liếp chiều ngang mặt liếp 1,5m, chiều dài tùy thuộc thửa đất. Khoảng cách trồng hàng ngang, hàng dọc từ 4 - 5cm thành ô vuông nhỏ trên mặt liếp. Trồng xong, dùng cỏ hoặc rơm khô tủ đều lên mặt liếp. Khi cỏ, rơm khô nằm êm thì bơm nước tưới cho thấm ướt đều rồi xả bỏ, đến khi đất khô hết độ ẩm thì tiếp tục tưới nước. Nguồn nước cần phải chủ động. Khi kiệu nảy mầm thì bón phân, xịt thuốc trừ sâu và tưới nước kịp thời. Có thể dùng phân DAP, urê bón thường xuyên theo yêu cầu phát triển của cây kiệu. Ngoài ra, sử dụng thêm phân bón lá và thuốc trừ nấm bệnh: vàng lá, cháy lá và các loại thuốc dưỡng rễ để kiệu phát triển nhanh. Phải chọn giống thật tốt, đảm bảo khi trồng lên trên 90%. Bình quân lượng giống cho 1.000m2 từ 120kg - 130kg. Chênh lệch này là do sự khác nhau về giống kiệu tươi và giống kiệu khô
Cây kiệu gắn bó với đời sống của người dân Tam Nông, là một trong những cây trồng giúp bà con nông dân vượt khó, làm giàu. Tuy nhiên, đầu ra của củ kiệu chưa ổn định, giá cả cũng còn lắm bấp bênh, năm thắng, năm thua, bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cung cầu của thị trường. Có năm, nông dân mở rộng diện tích canh tác kiệu nhiều thì bị thất mùa, rớt giá; có năm nông dân thu hẹp diện tích trồng kiệu thì lại gặp trúng mùa, trúng giá hoặc thất mùa, trúng giá. Để phát triển bền vững nghề trồng kiệu, nông dân phải nắm vững và áp dụng đúng quy trình từ khâu chọn giống, cách trồng đến khâu chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, cần sự gắn kết nhịp nhàng giữa “4 nhà” trong việc phát triển cây kiệu ở vùng sâu Đồng Tháp Mười này.
Ông Võ Văn Hiền - chủ tịch UBND xã Phú Hiệp cho biết: “Năm nay, sản lượng và giá bán củ kiệu đều tăng, nông dân rất phấn khởi. Do vậy, chính quyền địa phương sẽ kiến nghị với lãnh đạo cấp tỉnh để thành lập hợp tác xã nhằm tạo mối liên kết vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra ổn định cho bà con - vừa hỗ trợ giúp đỡ cho bà con về kỹ thuật trong khâu sản xuất rau màu…”