Sau những món ăn, uống vặt như: trà chanh chém gió, chè khúc bạch, buffet trái cây, xoài lắc..., món mì cay 7 cấp độ của Hàn Quốc vừa có mặt tại TP.Vũng Tàu không lâu nhưng đã khiến giới trẻ “phát sốt”. Nhiều quán mì cay xuất hiện, nhanh chóng đông khách nhờ hiệu ứng đám đông của giới trẻ.
Dạo một vòng trên các tuyến đường: Trần Đồng, Ba Cu, Lê Hồng Phong, Thống Nhất, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám… dễ nhận thấy có nhiều quán mì cay mới mọc lên. Các quán thường mở cửa từ 9 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Theo phong trào “ăn cho biết”, chúng tôi ghé quán mì cay Singa Hàn Quốc (348 Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu). Quán khá rộng, được bày trí theo phong cách ngồi bệt. Chờ một lúc, chúng tôi mới kiếm được bàn trống. Các bàn kế bên đều đã có khách, mỗi bàn từ 4-6 người đang cùng nhau trò chuyện hoặc vừa ăn, vừa xuýt xoa về độ cay của mì. Thậm chí, có nhóm còn phấn khích, hò reo cổ vũ cho một thành viên đang “đỏ mặt, tía tai” ăn tô mì cay cấp độ 7.
Sau khi nghe nhân viên tư vấn về mức độ cay, chúng tôi chỉ dám thử sức tô mì cay cấp độ 1 và 2. Chừng 10 phút sau, nhân viên bê ra những phần mì nóng hổi đựng trong những chiếc nồi đất. Món ăn nhìn bắt mắt với màu đỏ của ớt, màu vàng sánh của sợi mì và một số loại rau củ như: cải thảo, súp lơ, cải tím, đậu Hà Lan, cà rốt... Lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt đỏ bừng, chị Lê Thị Nga (36/13 đường Nguyễn Hới), một người trong nhóm chúng tôi, cho biết: “Tôi đã cố gắng nhưng đành bỏ dở tô mì cấp độ 2 vì cay quá. Vừa ăn vừa lè lưỡi xuýt xoa và liên tục uống nước lạnh mà mồ hôi cứ chảy đầm đìa”. Tôi thì chỉ dám thử mì cấp độ 1 mà phải rất cố gắng mới ăn hết phần của mình. Tuy nhiên, nhìn ra xung quanh, nhiều người thưởng thức mì cay một cách ngon lành mà không có vẻ gì là cay. Bạn Minh Hiền (133/3/1 đường Huyền Trần Công Chúa) cho biết: “Thấy bạn bè “kháo nhau” nên tôi đi ăn thử cho biết. Thường ngày, tôi cũng ăn cay nên dễ dàng “xử lý” tô mì cay cấp độ 3. Nước dùng ngon, cách trình bày khá bắt mắt. Trong nhóm tôi có người còn vượt qua được mì cay cấp độ 5 và 7”. Nhân viên của quán mì cay Singa cho biết, bình quân mỗi ngày quán bán được khoảng 1.000 phần. Ngoài các bạn trẻ, chúng tôi cũng thấy nhiều thực khách lứa tuổi trung niên và người già.
Nhà hàng Mr.Két (số 7 Bacu) cũng là một địa điểm để thưởng thức món mì cay. Để thu hút khách, nhà hàng còn treo thưởng 500 ngàn đồng cho ai ăn được tô mì cay cấp độ 7. Anh Hoàng Đình Huy, quản lý nhà hàng cho biết, trong vòng 3 ngày diễn ra cuộc thi chinh phục mì cay cấp độ 7, đã có 20 bạn vượt qua thử thách này.
Tuy đang tạo ra cơn sốt, nhưng món mì cay cũng gây nhiều tranh cãi liên quan tới sức khỏe. Một số người cho rằng, ở Hàn Quốc thời tiết lạnh nên người dân đã ăn cay từ nhỏ cho bớt cảm giác lạnh. Còn tại Việt Nam, vào mùa nắng nóng không nên ăn món này thường xuyên, vì quá cay và nóng. “Chỉ nên xem đây là món ăn vặt, không nên ăn thay cơm vì sau khi ăn mì cay, mình thấy rất xót ruột”-bạn Tuấn Phương (35 đường Yên Bái, TP.Vũng Tàu) cho biết.
Theo các tài liệu y học, ăn ớt giúp cơ thể phòng tránh một số bệnh, đồng thời giúp ăn ngon miệng hơn vì có chứa vitamin C, B1, B2, canxi, phốt pho, sắt. Tuy nhiên, việc lạm dụng ớt lại không tốt cho sức khỏe. Trong ớt có chất capsaicin sẽ làm tăng cường lưu thông máu, tim đập nhanh nên không tốt cho người bị bệnh tim mạch. Người ăn quá nhiều ớt có thể bị tăng huyết áp, tổn thương dây thần kinh, gây viêm dạ dày, hôi miệng, mất ngủ...
Anh Hoàng Đình Huy cho biết thêm, để bảo đảm sức khỏe cho khách, với những khách hàng ăn cay tốt, nhà hàng tư vấn cho khách nên ăn ở cấp độ 2-3. Nếu ai bị các chứng đau bao tử, mắt yếu thì chỉ nên ăn cấp độ 1.
Mì cay được chế biến từ các nguyên liệu: mì sợi lớn, các loại kim chi, cải thảo, thêm hải sản (tôm, mực, cá viên, ghẹ, thịt bò...), xúc xích và ớt đóng gói. Mì được chia ra cấp độ cay từ 1-7, càng lên cao mức độ cay càng tăng. Thực đơn mì cay khá đa dạng, gồm: mì kim chi bò, kim chi hải sản, mì cay cá, mì cay ghẹ, mì cay thập cẩm… với giá từ 29.000-59.000 đồng/phần, tùy quán. |
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN