Trong các chương trình truyền hình thực tế được phát sóng trực tiếp, vai trò của giám khảo là rất quan trọng. Thông qua những lời nhận xét của mình, giám khảo có thể mang đến cho người xem tiếng cười nhẹ nhõm, những kiến thức chuyên môn bổ ích, nhưng cũng có nhiều giám khảo khiến khán giả không hài lòng, thỏa mãn… bởi nhận xét thiếu chuyên môn hoặc gây sốc.
Những năm gần đây, trên các kênh truyền hình tràn ngập các cuộc thi như: Việt Nam Idol (Thần tượng âm nhạc), Vietnam Idol kids (Thần tượng âm nhạc nhí), Bước nhảy hoàn vũ, Việt Nam Next top Model (Người mẫu Việt Nam), Cặp đôi hoàn hảo… Trong các cuộc thi này, ngoài thí sinh và người dẫn chương trình, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của các giám khảo. Những người được mời ngồi vào “ghế nóng” thường là các nhân vật nổi tiếng, am hiểu chuyên môn hoặc có nhiều người hâm mộ như nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên, đạo diễn, người mẫu… nhằm làm tăng sự hấp dẫn của chương trình.
Tuy nhiên, trong một số chương trình, giám khảo được mời nhiều khi trái sở trường chuyên môn, hoặc nhận xét chưa chuẩn mực, dẫn đến những cuộc tranh cãi ngay trên “ghế nóng”. Do có quá nhiều cuộc thi trên truyền hình dẫn đến tình trạng thiếu giám khảo có trình độ chuyên môn tốt, giàu kinh nghiệm. Đó là cơ hội để các gương mặt trẻ thuộc thế hệ sinh ở những năm 1989-1990 như các ca sĩ: Đông Nhi, Tóc Tiên, Isaac, Bích Phương, Văn Mai Hương, Noo Phước Thịnh, Sơn Tùng M-TP, Hari Won… xuất hiện ở “ghế nóng” trong các chương trình: Tìm kiếm tài năng Việt nhí 2016, Biến hóa hoàn hảo, Tài năng DJ, The Remix 2016… Tuy nhiên, những lời nhận xét của họ đôi khi cũng bị khán giả phàn nàn, chê bai. Chẳng hạn, bộ 3 Tóc Tiên-Isaac-Văn Mai Hương trong chương trình Tìm kiếm tài năng Việt nhí 2016 thường xuyên có những tranh cãi thậm chí gay gắt, không phân định thắng thua và đôi khi quá lố khi nhận xét thí sinh, khiến thí sinh ngơ ngác trên sân khấu, còn người xem thì khó chịu.
Một trường hợp khác, ca sĩ “nhí” Phương Mỹ Chi (SN 2003) được nhiều người yêu mến nhờ thành công từ cuộc thi Giọng hát Việt nhí mùa thứ nhất (năm 2013). Sẽ không có gì đáng nói nếu em chỉ lên sân khẩu để hát, nhưng khi làm giám khảo khách mời trong chương trình Cùng nhau tỏa sáng năm 2014, Phương Mỹ Chi đã bị chê không tiếc lời bởi còn “non” về chuyên môn, chưa có kinh nghiệm. Hoặc Hari Won - một ca sĩ, diễn viên người Hàn Quốc gốc Việt, vừa tham dự cuộc thi ca hát, diễn xuất trên truyền hình năm 2015 thì đến tháng 5-2016 đã được mời làm giám khảo cuộc thi Biến hóa hoàn hảo. Kiểu phát âm tiếng Việt chưa “tròn vành rõ chữ” của cô tạo nên sự mới lạ nhưng nhiều lúc khiến khán giả không hài lòng bởi cô chưa hiểu hết ngôn ngữ tiếng Việt và có những lời nhận xét kiểu vô thưởng vô phạt, thiếu tính chuyên môn…
Một chương trình truyền hình khi lên sóng có thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó giám khảo có vai trò không nhỏ. Điều đáng tiếc, một số chương trình vì mục đích “câu” khán giả nên chỉ chăm chú đưa vào những vị giám khảo nổi tiếng, được nhiều người yêu thích nhưng trái chuyên môn, không đủ tầm, thậm chí vướng tai tiếng khiến chương trình kém hấp dẫn. Đã từng có những chương trình bị chê bai vì giám khảo nhận xét không thấu đáo và từng bị “ghét vì thái độ” không nghiêm túc, có khi nhận xét đầy cảm tính…
Trong những chương trình truyền hình thực tế mang tính tương tác cao, các giám khảo cũng được xem là những “diễn viên” của chương trình. NSND Đoàn Dũng, người đã nhiều lần ngồi ghế giám khảo các cuộc thi nghệ thuật từng phát biểu trên một tờ báo: “Giám khảo nhiều chương trình truyền hình hiện nay nhận xét mỗi người một phách, chấm điểm mỗi người một kiểu, làm cho người xem thấy phản cảm, thiếu được tôn trọng. Giám khảo không chuẩn mực cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ của công chúng, bức xúc cho thí sinh”.